“Tôi được giao chuẩn bị bài thuyết trình, giới thiệu về trường; có cô giáo chuyên thiết kế và in ấn tờ rơi… để phục vụ cho các thầy cô trong quá trình đi tuyển sinh. Như năm nay, nhà trường giao nhiệm vụ từ sớm và cuối tháng 3 chúng tôi đã phải hoàn thành, để kịp bàn giao sản phẩm cho chiến dịch tuyển sinh vào đầu tháng 4. Mục tiêu là có được những thông tin, phương pháp “tiếp thị” tốt nhất thu hút học sinh về trường”, cô Hà cho hay.
Cũng theo cô Hà chia sẻ, bên cạnh giới thiệu về trường, các tổ tư vấn thường thông tin sâu về chế độ đãi ngộ, chính sách ưu tiên cho học sinh, như: Hỗ trợ nhà ở nội trú, tiền ăn, miễn học phí… Ngoài ra, để có “chiến lược” tư vấn phù hợp, trước mỗi địa điểm đến, thầy cô đều có sự trao đổi, khảo sát, nắm bắt tình hình, đối tượng học sinh trước.
“Đối với học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, chúng tôi sẽ hướng mạnh vào việc thông tin để các em nắm rõ những chính sách hỗ trợ được hưởng. Thậm chí có những trường hợp trực tiếp tặng quà hoặc cam kết sẽ tìm và kết nối được nguồn hỗ trợ chi phí học tập, sinh hoạt trong suốt quà trình học để các em yên tâm”, cô Hà cho biết thêm.
Còn tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, mặc dù không chịu “áp lực” về tuyển sinh, song thời gian vừa qua nhà trường cũng đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, tuyển sinh tại các trường THCS trên địa bàn. Với số lượng tuyển là 350 học sinh/10 lớp, hoạt động tư vấn tuyển sinh đã được nhà trường chủ động triển khai từ suốt 1 tháng qua.
Theo cô Lê Thúy Hòa, Bí thư Đoàn trường, tại các chương trình, cùng với hoạt động giao lưu văn nghệ thu hút, hấp dẫn, học sinh trong đối tượng sẽ được nghe tổ tư vấn giới thiệu và giải đáp về công tác tuyển sinh. Phương pháp học tập, nhất là những hoạt động sôi nổi, đa dạng của các câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm, rèn kỹ năng sống…
Ngoài ra, để thu hút học sinh chất lượng cao, các tổ tư vấn cũng thông tin về những ưu đãi và thành tích của đội tuyển học sinh giỏi quốc gia; nghiên cứu khoa học, sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng… Qua đó, giúp các em có được những thông tin tổng quát, cụ thể về trường để đưa ra sự lựa chọn phù hợp.
Không để trò tự “bơi”
Cho đến giờ, Lò Thị Nguyệt Nhi, lớp 10A6, Trường THPT Phan Đình Giót vẫn nhớ như in những ngày tháng “chơi vơi” khi vừa kết thúc chương trình học lớp 9. Nhi tâm sự: Bố bị tai nạn giao thông mất từ khi em còn chưa sinh ra. Mẹ vất vả nuôi em ăn học đến năm 11 tuổi thì bị bệnh nặng, qua đời. Em được cậu mợ nhận về nuôi dưỡng.
Mặc dù vẫn khát khao đến trường, song vì hoàn cảnh khó khăn, cậu mợ sức khỏe yếu, không có thu nhập ổn định nên gồng gánh lắm cũng chỉ đủ sức nuôi em học hết lớp 9. Con đường học tập của em khi đó đứng trước nguy cơ “đứt gánh” giữa đường.
“Ngày chúng tôi về Trường THCS Thanh Luông – nơi Nhi từng theo học để tuyển sinh, em trốn không có mặt. Khi nghe cô giáo chủ nhiệm tâm sự về hoàn cảnh của em, chúng tôi đã quyết định tìm đến tận nhà, động viên, khuyên nhủ em và gia đình cố gắng theo học tiếp. Không chỉ giúp gia đình hiểu về những quyền lợi em được hưởng, chúng tôi còn cam kết sẽ tìm nguồn hỗ trợ kinh phí học tập cho em. Lúc ấy gia đình mới đồng ý”, cô giáo Nguyễn Thị Hà nhớ lại.
Cô Hà cho hay, với sự đồng hành của nhà trường, Nhi không chỉ tiếp nối con đường học tập mà năm học này còn đạt học sinh giỏi. Và chính em lại trở thành một “tư vấn viên” đắc lực để hỗ trợ các thế hệ đàn em ở địa bàn trong việc lựa chọn hướng đi phù hợp. “Các em chính là minh chứng chân thực nhất để học sinh khóa sau hiểu được mục tiêu giáo dục của nhà trường. Đồng thời truyền đi cảm hứng, nghị lực học tập cho các học sinh hoàn cảnh khác”, cô Hà nói.
Theo thầy Tống Văn Đỗ, Hiệu trưởng Trường THPT Búng Lao, phụ huynh ở vùng cao thường có tâm lý “thờ ơ”, thậm chí nhiều gia đình chưa nhận thức được sự cần thiết cho con em mình đi học tiếp lên THPT. Đặc biệt, những gia đình ở sâu trong các bản hay trên núi cao, hoàn cảnh khó khăn, thường đồng thuận, thậm chí yêu cầu con, em nghỉ học để lao động, kiếm tiền.
Xác định rõ nguy cơ “mất mùa” tuyển sinh khi đối mặt với những thách thức này, nhất là trên thực tế ngày một nhiều “tấm gương” phản chiếu về thực trạng học sinh tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học về không xin được việc… hàng năm Ban giám hiệu nhà trường đều chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh từ cuối tháng 2.
“Ngay sau khi ban hành kế hoạch, trường họp các tổ tuyển sinh, giao nhiệm vụ, quán triệt nội dung, hình thức tuyên truyền, chuẩn bị các điều kiện, như: Tờ rơi, thông tin, hình ảnh về nhà trường... Giáo viên các tổ tư vấn sẽ trực tiếp đi từng bản, gõ cửa từng nhà và gặp từng phụ huynh, học sinh, với phương châm thầy không ngại đường xa chỉ cần trò ra lớp”, thầy Đỗ chia sẻ.
Đặc biệt, với những điểm mới trong triển khai chương trình lớp 10 tại năm học tới, công tác tuyển sinh của nhiều đơn vị nhà trường cũng có sự thay đổi phù hợp. Theo thầy Phạm Văn Hạ thì mục tiêu chung của các nhà trường THPT năm nay hướng tới trong tuyển sinh là không để học sinh “tự bơi” mà thầy cô sẽ đồng hành, định hướng cho các em.