Vì đâu nên nỗi?
Những người lãnh đạo đảo chính ở châu Phi luôn đưa ra những lý do giống nhau khi lật đổ các chính phủ, đó là vấn nạn tham nhũng, an ninh không được đảm bảo, năng lực quản lý đất nước yếu kém và tình trạng nghèo đói ngày một lan rộng. Chưa biết họ có thể cải thiện tình hình đất nước hay không, nhưng những lời biện minh đó không sai.
Mạng lưới nghiên cứu Afrobarometer đã tiến hành khảo sát ở 19 quốc gia châu Phi, cho thấy cứ 10 người được hỏi thì có 6 người lo ngại tham nhũng ở đất nước họ đang gia tăng. Cùng lúc, hơn 70% số người tin rằng, công dân bình thường "có nguy cơ bị trả thù hoặc gánh chịu hậu quả tiêu cực khác" nếu tố cáo tham nhũng. Nghiên cứu cũng cho thấy, nhiều người châu Phi không tin các cuộc bầu cử chọn ra được lãnh đạo mà họ có thể trông đợi. Khủng hoảng kinh tế bộc lộ rõ hơn thời gian vừa qua tiếp tục kéo theo sự suy giảm nhanh chóng về chất lượng sống, giá cả nhiên liệu và lương thực leo thang, khiến người dân nhiều quốc gia thêm hoài nghi về lợi ích của chính quyền dân sự, bất chấp nỗ lực "khuyến khích dân chủ" của phương Tây.
Cuộc sống khó khăn của người dân thêm phần bế tắc khi các nhóm thánh chiến Hồi giáo có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda những năm qua tăng cường hoạt động. Chúng thực hiện nhiều tội ác mà phương Tây, dẫn đầu bởi Pháp và Mỹ, dù đã gửi quân đội đến khu vực, đã không thể đẩy lùi. Trong khi hàng ngàn người Tây-Trung Phi tìm cách di cư ra nước ngoài trên những tuyến đường mạo hiểm, có thể mất mạng bất cứ lúc nào; sự bất bình với giới tinh hoa trong nước ngày càng tích tụ.
Trong các cuộc đảo chính vừa qua, các nhà lãnh đạo quân sự ở Tây và Trung Phi còn rất khéo léo tận dụng góc nhìn thiếu thiện cảm với phương Tây để giành sự ủng hộ của người dân khi chiếm quyền kiểm soát đất nước. Kể từ năm 1990, 78% nỗ lực đảo chính ở khu vực châu Phi cận Sahara nổ ra tại các quốc gia từng là thuộc địa của Pháp. Paris từ lâu không nhận được thái độ tích cực của người dân các nước thuộc địa cũ vì họ cho rằng, giới chức Pháp chỉ tìm cách bảo vệ lợi ích địa chính trị và kinh tế ở châu Phi, bất chấp các chính phủ tại đó hoạt động hiệu quả hay không; còn hoạt động chống khủng bố được thực hiện không hiệu quả.
Người dân Gabon xuống đường ăn mừng sau khi quân đội nắm quyền kiểm soát đất nước.
Quốc tế thiếu cách tiếp cận thống nhất
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi (ACSS) đánh giá, sự gia tăng các cuộc đảo chính ở châu Phi phản ánh sự suy yếu của các nỗ lực quốc tế trong thực thi biện pháp ngăn ngừa chính biến. Một số nhà quan sát nhận định, làn sóng đảo chính dường như nổ ra thường xuyên hơn khi phương Tây giảm hiện diện ở châu Phi để dành nguồn lực cho các ưu tiên khác. Riêng Pháp, cường quốc có ảnh hưởng hàng đầu khu vực, hầu như các đời Tổng thống Pháp gần đây, từ Francois Mitterrand, Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và Francois Hollande, đều phát động các hoạt động quân sự mới ở châu Phi, ngoại trừ chính quyền đương nhiệm của ông Emmanuel Macron. Quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, cuối tháng 8/2023 thừa nhận tình hình hiện nay rõ ràng đặt ra yêu cầu "chúng tôi phải xem lại chính sách châu Phi của mình".
Sau đảo chính Gabon, Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Trung Phi (ECCAS), tổ chức lớn nhất của các quốc gia ở khu vực, đã đình chỉ tư cách thành viên của Gabon. Cách tiếp cận này giống việc Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) gần đây nhất trí sẽ ban bố các gói lệnh cấm vận khắt khe chống lại các chính quyền quân sự tiến hành đảo chính như ở Niger. Các tổ chức này quyết tâm không công nhận các chính quyền nắm quyền lực nhờ đảo chính và chặn nguồn tài chính của họ, nhưng giải pháp này thường chỉ tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân và khiến họ ngày càng phản kháng mạnh hơn với yếu tố bên ngoài. ECOWAS tháng trước dọa can thiệp quân sự vào Niger, nhưng chưa thống nhất được về thời điểm và lực lượng. Khả năng ECOWAS triển khai chiến dịch quân sự đang kéo theo các cuộc tranh cãi.
Tổng thống Nigeria Bola Ahmed Tinubu, Chủ tịch ECOWAS, thừa nhận: "Nỗi lo sợ của tôi đã được xác nhận ở Gabon rằng, những kẻ bắt chước bắt đầu làm điều tương tự đến chừng nào bị ngăn chặn". Tuy nhiên, ông không nêu rõ cách thức ECOWAS có thể chặn "làn sóng" đảo chính lan rộng.
Trong khi cộng đồng quốc tế chưa tìm được cách tiếp cận thống nhất hiệu quả. Các quốc gia ở khu vực dường như đang tìm cách tự ứng phó. AfricaNews cho biết, Tổng thống Rwanda Paul Kagame đã phê chuẩn quyết định thay đổi nhân sự Lực lượng Phòng vệ Rwanda (RDF) vào ngày 30/8, trong đó nhiều tướng và sĩ quan cấp cao bị thay thế. Tổng thống Rwanda cũng ký quyết định cho hơn 1.000 sĩ quan quân đội nghỉ hưu, bao gồm hàng trăm người vì "lý do y tế". Ông cũng thăng cấp bậc hàm đối với một số sĩ quan trẻ lên cấp đại tá và bổ nhiệm các tướng mới chỉ huy các quân chủng.
Tại Cameroon, Tổng thống Paul Biya, người lãnh đạo đất nước từ năm 1982, cũng tiến hành cải tổ quân đội với nhiều thay đổi nhân sự cấp cao trong lực lượng lục quân, không quân và thủy quân lục chiến. Trong tuyên bố trên Twitter, ông Biyam xác nhận đã ra sắc lệnh cách chức nhiều sĩ quan và điều những người khác rời Bộ Quốc phòng. Chưa rõ các biện pháp nêu trên có thể giúp dập tắt những ý tưởng đảo chính ở Cameroon hay không? Cameroon đang chứng kiến cuộc xung đột khốc liệt với phe ly khai ở phía Tây đất nước, vốn khiến hơn 6.000 người thiệt mạng, 500.000 người khác phải rời bỏ nhà cửa và đẩy 2,2 triệu người vào cảnh sống dựa vào hỗ trợ nhân đạo.