Bà Tưởng Vũ Đậu cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tâm sức, nhân lực và tiền của vào việc đầu tư và xây dựng công trình này, mục đích hàng đầu là tạo ra một không gian trải nghiệm phù hợp hơn với giới trẻ, đồng thời tạo ra một lối đi công cộng dành cho người đi bộ có hình ảnh đẹp và không gian phong phú.”
Bà Tưởng Vũ Đậu, Giám đốc Dự án Công ty Văn hóa Du lịch Trường Gia
Với đặc điểm nổi bật là nhiệt độ thấp do nằm sâu trong lòng đất, giờ đây hầm trú ẩn đã được các địa phương ở Trung Quốc, đặc biệt là những nơi nóng bức vào mùa Hè, tận dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Theo dữ liệu do chính quyền thành phố Trùng Khánh cung cấp cho phóng viên VOV, đến nay, tỷ lệ khai thác các công trình phòng không ở đây đã đạt 93% với việc cung cấp ra xã hội hơn 200.000 chỗ đỗ xe. Là một trong bốn “lò lửa” của Trung Quốc, thành phố này đã mở cửa hầm trú ẩn cho người dân tránh nóng được 16 năm, với số lượng người sử dụng đạt hơn 25 triệu lượt. Ngoài mục đích tránh nóng và làm điểm đỗ xe, nhiều hầm trú ẩn còn được tận dụng để mở các quán lẩu, cửa hàng, quán cà phê, quán bar, tiệm sách, cây xăng, nhà hát, khách sạn, các khu trưng bày tư liệu lịch sử hay viện bảo tàng...
Anh Khương Vĩnh Bằng, một du khách người Giang Tô, đã trải nghiệm hầm trú ẩn Đới Gia Hạng ngay sau khi đến Trùng Khánh lần đầu tiên: “Nhiệt độ bên trên hơn 30 độ, nhưng bên dưới hầm chỉ hơn 20 độ, cảm giác rất mát mẻ. Chênh lệch nhiệt độ khá lớn, do vậy cảm thấy rất thoải mái. Dạo quanh và nhìn vào những bức tranh treo tường, báo cũ và phù điêu tại đây, tôi cảm thấy rất hay, rất mang không khí văn hóa.”
Du khách Khương Vĩnh Bằng, người Giang Tô.
Không chỉ Trùng Khánh, nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc, như Bắc Kinh cũng có rất nhiều các hầm trú ẩn như vậy, với số lượng có thể lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng vạn. Ngay tuyến tàu điện ngầm đầu tiên ở thủ đô của Trung Quốc, khởi công năm 1965 và hoàn thành năm 1969, cũng là một công trình phòng không với mục đích ban đầu là tránh bom.
Dù trong thời bình, nhưng cuối năm 1996 Trung Quốc vẫn thông qua Luật Phòng không Dân sự. Trong đó có những quy định về việc xây dựng các công trình phòng không và sử dụng vào mục đích phục vụ kinh tế, xã hội.
Tuyến tàu điện ngầm số 1 ở thủ đô Bắc Kinh, nơi có thiết kế ban đầu là một công trình phòng không trú ẩn.
Ngay cả Hùng An, khu mới đang được xây dựng ở tỉnh Hà Bắc, liền sát Bắc Kinh, nơi được mệnh là “thành phố tương lai” của nước này, cũng được thiết kế với nhiều tầng ngầm trong lòng đất.
Nếu có dịp đến các thành phố lớn của Trung Quốc và dạo bước trong những công trình dưới đất, như tàu điện ngầm, khu thương mại trong lòng đất hay hầm để xe..., rất có thể bạn đang đi trong những công trình từng là hầm trú ẩn trong quá khứ hay sẽ phục vụ cả những tính toán trong tương lai./.