Tuy nhiên, “kịch bản Triều Tiên” vẫn có một vấn đề đối với Mỹ, đó là kịch bản này mặc định cho rằng ban lãnh đạo Nga đang rất cần một lệnh ngừng bắn và mong muốn ngồi vào bàn đàm phán. Có ít bằng chứng ủng hộ nhận định này. Thực tế chỉ ra, không chỉ chiến đấu kịch liệt để ngăn chặn đà tiến của Ukraine ở miền Nam, Nga còn mở cuộc tiến công của riêng họ ở phía Bắc, nhằm chiếm toàn bộ tỉnh Lugansk, nơi quân Nga vẫn đang tiến đều. Trong khi đó, xã hội và nền kinh tế của Nga vẫn tương đối ổn định. Cuộc binh biến của ông chủ Wagner thực ra chỉ là một chút lệch lạc, không tạo ra sự thay đổi căn bản nào trên chính trường Nga; hơn nữa các chỉ trích của ông này cũng chỉ hướng tới đẩy mạnh hoạt động tác chiến của Nga.
Quyết tâm của người Nga
Trên thực tế, nhiều khả năng Kremlin mong muốn giành tiếp chiến thắng hơn là vô vọng đợi chờ đàm phán.
Andrey Gurulev - cựu tư lệnh quân khu miền Trung (Nga) và hiện là một nghị sĩ dân tộc chủ nghĩa tại Duma Quốc gi (Hạ viện Nga), tuyên bố rằng năng lực công nghiệp quốc phòng của Nga đang mở rộng nhanh chóng và đủ đáp ứng nhu cầu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine và nhu cầu của 150.000 binh sĩ hợp đồng mới gia nhập quân đội Nga. Năng lực sản xuất vũ khí của Nga có thể được đẩy lên tiếp để đáp ứng một đợt động viên lực lượng nữa.
Quốc hội Nga đã xúc tiến tiến trình nâng ngưỡng tuổi vẫn có thể gọi tòng quân lên thành 30 tuổi. Đáng lưu ý, có một dự án sửa đổi luật của Nga, sẽ có hiệu lực vào tháng 10 tới, với nội dung cấm đi xa đối với bất cứ ai có tên trong danh sách gọi nhập ngũ hoặc dự bị động viên.
Ban lãnh đạo Nga nhiều lần lặp lại tuyên bố rằng mục tiêu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” vẫn chưa thay đổi và họ sẽ đạt các mục tiêu đó bằng phương tiện quân sự.
Chiến thắng của Ukraine ở Kharkov và Kherson vào cuối năm 2022 mang lại cho Ukraine “nguồn vốn chính trị” để họ yêu cầu phương Tây mở rộng viện trợ quân sự. Tuy nhiên, cơ chế này có tác dụng hai chiều. Nghĩa là, khi chiến dịch phản công của Ukraine thất bại, điều đó sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho Tổng thống Nga Putin - tính chính danh trong nước và cả “nguồn vốn chính trị”. Các lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở Nga cũng nhận thấy sự tương đồng giữa cuộc tiến công của Ukraine ở Zaporizhzhia và trận chiến Kursk lịch sử vào năm 1943. Những người này đề cập việc sau khi quân Đức thất bại ở Kursk, Hồng quân Liên Xô đã ồ ạt tấn công đối phương và giành chiến thắng trong chiến dịch Bagration.
Mỹ sẽ hưởng lợi lớn hơn nếu khẩn trương thúc đẩy hòa đàm
Từ những phân tích trên, giới quan sát nhận định Tổng thống Putin có thể cân nhắc các khả năng và sử dụng ảnh hưởng chính trị của mình để phát động một cuộc huy động lực lượng nhập ngũ thứ 2 vào tháng 10 tới. Nếu lực lượng tân binh này được huấn luyện khẩn trương trong nửa năm thì vào mùa xuân năm 2024, quân đội Nga sẽ có thêm 300.000 lính mới sẵn sàng tham chiến, trong bối cảnh quân Ukraine đã bị tiêu hao nhiều do hỏa lực Nga vào mùa đông trước đó.
Khi quân Nga tấn công chớp nhoáng vào thủ đô Kiev năm 2022, họ thất bại do quá nhấn mạnh đến lực lượng cơ giới so với lực lượng bộ binh. Nhưng sang mùa xuân 2024, quân đội Nga sẽ không còn đối mặt với trở ngại này. Sử dụng lực lượng đủ đông trước một đối thủ kiệt sức đồng nghĩa với khả năng cao Nga sẽ tạo ra được đột phá và quay trở lại với tác chiến cơ động.
Trong trường hợp các lực lượng Nga có khả năng đánh sâu vào lãnh thổ Ukraine và chiếm các vùng mà Moscow xác định là mục tiêu của mình thì xung đột Ukraine sẽ kết thúc theo hướng một chiến thắng chính cho Nga. Đây sẽ là một chiến thắng bằng vũ lực chứ không phải là một dàn xếp hòa bình do Mỹ làm trung gian.
Hiển nhiên, thắng lợi của Nga theo hướng đó sẽ là bước thụt lùi đối với Mỹ, làm giảm uy tín của Mỹ cũng như liên minh quân sự NATO. Trong bối cảnh Mỹ và NATO cung cấp vũ khí và huấn luyện cho quân đội Ukraine, Nga có thể tuyên bố rằng họ đã một mình đương đầu với phương Tây và giành chiến thắng. Đồng thời khi ấy, quan hệ Nga - Trung Quốc sẽ được củng cố thêm một bước nữa. Mỹ có thể còn đối mặt một triển vọng nữa là các vũ khí rẻ nhưng hiệu quả của Nga sử dụng trong xung đột này (như UAV Lancet) sẽ chảy tới cả những khu vực khác chống đối chính quyền Mỹ trên thế giới.
Chính vì vậy, Tiến sĩ Alex Burilkov, nghiên cứu viên tại Trung tâm nghiên cứu dân chủ của trường Đại học Leuphana ở Lüneburg (Đức) đánh giá rằng Mỹ buộc phải nghiêm túc theo đuổi ý tưởng tìm kiếm một giải pháp hòa bình được tất cả các bên, bao gồm cả Nga, chấp nhận.
Trên thực tế, các nhân vật Mỹ có ảnh hưởng đã tham gia ngoại giao với các đối tác ở Nga, hướng tới đàm phán hòa bình.