“Mỹ đang sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính để cô lập Iran và phá vỡ khả năng tài trợ của họ. Bộ Tài chính Mỹ đã nhắm mục tiêu hơn 500 cá nhân và thực thể có liên quan của Iran kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền vào tháng 1-2021” - bà Yellen dẫn số liệu thống kê.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Tehran đã cấm gần như toàn bộ hoạt động thương mại của Mỹ với nước này, đồng thời phong tỏa tài sản của chính phủ Iran ở Mỹ.
CRS nhận định: “Các biện pháp trừng phạt đối với Iran được cho là sâu rộng và toàn diện nhất mà Mỹ duy trì đối với bất kỳ quốc gia nào”.
Cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Peter Harrell dự đoán các lựa chọn trừng phạt tiếp theo của Mỹ bao gồm nhắm mục tiêu vào dòng dầu, các công ty bình phong và các nhà tài trợ của Iran.
“Một trong những động thái quan trọng nhất là Washington yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh phương Tây khác áp đặt các lệnh trừng phạt đa phương đối với Tehran. Hầu hết lệnh trừng phạt hiện nay đối với Iran là các biện pháp của Mỹ” - ông Harrell nói.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ cho biết họ sẽ xem xét một loạt dự luật để tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Iran, bao gồm thắt chặt hạn chế xuất khẩu hàng hóa và công nghệ của Mỹ sang Iran.
Trước đây, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đã nhắm vào năng lực hạt nhân, các lĩnh vực năng lượng và quốc phòng, các quan chức chính phủ, ngân hàng và các khía cạnh khác của nền kinh tế Iran.
Ông Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ngày 16-4 cũng cho biết các thành viên khối đang đề xuất mở rộng trừng phạt Iran sau vụ tấn công Israel. Biện pháp trừng phạt sẽ nhắm vào việc Iran cung cấp UAV cho Nga và hậu thuẫn các nhóm vũ trang khắp Trung Đông. |