"Đảng Dân chủ có nên thay thế ông Biden khỏi vị trí ứng viên tổng thống hay không?" là câu hỏi được nhắc đến nhiều nhất sau màn thể hiện "thiếu thuyết phục" của ông Biden trước ông Trump trong cuộc tranh luận đầu tiên. Lịch sử bầu cử Mỹ từng ghi nhận vài lần tổng thống thuộc đảng Dân chủ không tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.
Khi tổng thống không tranh cử nhiệm kỳ hai
Dù Tổng thống Mỹ đương nhiệm có màn thể hiện bị đánh giá là "thiếu thuyết phục" trong cuộc tranh luận đầu tiên, vẫn chưa có thành viên nào của đảng Dân chủ công khai thách thức vị trí ứng viên tổng thống của ông Biden. Theo ABC News, có một lý do dẫn đến điều này.
Các thành viên đảng Dân chủ đều hiểu, việc thách thức một tổng thống đương nhiệm để giành được đề cử của đảng Dân chủ gần như sẽ thất bại vì các tiền lệ trong quá khứ. Đồng thời, thất bại đó cũng có thể khiến người chiến thắng phải khốn đốn trong cuộc đua vào chiếc ghế tổng thống với ứng viên đảng Cộng hòa.
Ông Ted Kennedy từng thách thức một tổng thống Mỹ đương nhiệm. Ảnh: Getty
Năm 1980, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ted Kennedy đã mở một chiến dịch tranh cử để giành đề cử của đảng Dân chủ, thách thức Tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter.
Khi đó, sự ủng hộ dành cho ông Carter bị giảm sút do tình trạng lạm phát và sự bất mãn với cách ông xử lý các vấn đề đối ngoại.
Dù giành chiến thắng trước đối thủ cùng đảng Ted Kennedy, nhưng ông Carter cũng bị suy yếu về mặt chính trị, chịu tác động tiêu cực do sự chia rẽ và mất đoàn kết trong đảng Dân chủ. Điều này góp phần không nhỏ vào thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm đó trước đối thủ Ronald Reagan của đảng Cộng hòa.
Ngay cả khi, người thách thức (cùng đảng Dân chủ) buộc tổng thống đương nhiệm phải rời cuộc đua thì người thách thức đó (đã trở thành ứng viên tổng thống của đảng) vẫn phải nhận thất bại khi đối đầu ứng viên đảng Cộng hòa.
Hai lần trong thế kỷ 20, tổng thống Mỹ (thành viên đảng Dân chủ) chọn không tái tranh cử khi đối mặt với các cuộc thăm dò ảm đạm và các đối thủ thách thức trong bầu cử sơ bộ. Đó là trường hợp của ông Harry Truman năm 1952 và ông Lyndon Johnson năm 1968.
Ông Lyndon B. Johnson (trái) cùng ông Harry Truman trong một sự kiện vào tháng 7/1965. Ảnh: LBJ Presidential Library
Ông Truman nhận chức Tổng thống Mỹ sau khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt qua đời năm 1945. Ông tái đắc cử vào năm 1948. Dù có nhiều chính sách quan trọng, nhưng trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Truman gặp nhiều khó khăn, bao gồm các vấn đề như chiến tranh Triều Tiên, các vấn đề kinh tế và sự suy giảm uy tín cá nhân.
Năm 1952, ông Truman đối mặt với nhiều áp lực chính trị và quyết định không tái tranh cử, để lại khoảng trống lớn trên chính trường của đảng Dân chủ.
Adlai Stevenson, Thống đốc bang Illinois khi đó, nổi lên như một ứng viên sáng giá của đảng Dân chủ với tài diễn thuyết và uy tín trong đảng.
Nhưng cuối cùng, Stevenson vẫn thua đậm trước Dwight D. Eisenhower, ứng viên nổi tiếng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 1952. Ông Eisenhower giành được 442 phiếu đại cử tri, trong khi con số này của ông Stevenson chỉ là 89 phiếu.
Ông Lyndon B. Johnson trở thành Tổng thống Mỹ sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát năm 1963. Một năm sau, ông tái đắc cử.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông Johnson bị ảnh hưởng nặng nề do lún sâu vào chiến tranh Việt Nam. Số thương vong ngày càng lớn của binh sĩ Mỹ khiến dư luận trong nước chia rẽ và phản đối mạnh mẽ. Các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh diễn ra ở nhiều nơi trên đất Mỹ. Uy tín của ông Johnson bị giảm sút nghiêm trọng.
Tháng 3/1968, ông Johnson tuyên bố sẽ không tái tranh cử tổng thống. Hubert Humphrey, Phó Tổng thống dưới thời ông Johnson, trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Ông Humphrey có kinh nghiệm chính trường nhưng bị chỉ trích vì ủng hộ chiến tranh. Cuối cùng, ông Humphrey (191 phiếu đại cử tri) nhận thất bại trước ứng viên Richard Nixon (301 phiếu đại cử tri) của đảng Cộng hòa.
Thách thức chưa từng có với đảng của ông Biden
Tờ New York Times ngày 3/7 nhận định, chưa có đảng phái nào phải đối mặt với thách thức mà đảng Dân chủ gặp phải hiện nay: Một ứng viên tổng thống của đảng bị nghi ngờ về sự minh mẫn, khả năng đánh bại ông Trump, và tình trạng sức khỏe để phục vụ 4 năm nữa trên cương vị tổng thống.
Thách thức trên khiến các đảng viên Dân chủ phải đau đầu với các câu hỏi: "Có ông Biden hay không sẽ tốt hơn cho việc đánh bại ông Trump? Ủng hộ một ứng viên tổng thống mới hay tiếp tục kiên nhẫn với ông Biden, cái nào có rủi ro cao hơn?".
Ngày 3/7, một cuộc thăm dò của New York Times cho thấy, tỉ lệ cử tri sẵn sàng bầu cho ông Trump đã tăng 6 điểm phần trăm so với bầu cho ông Biden sau cuộc tranh luận đầu tiên.
Nhà Trắng tuyên bố, ông Biden sẽ không bỏ cuộc và Tổng thống Mỹ đã có cuộc gặp với các thống đốc đảng Dân chủ ngày 3/7. Tất cả đều tuyên bố sẽ ủng hộ ông Biden sau cuộc gặp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tiếp tục cuộc đua sau màn tranh luận không được đánh giá cao. Ảnh: NNA
Tuy nhiên, một số thành viên đảng Dân chủ cho rằng, bất chấp rủi ro, một ứng viên tổng thống mới có thể mang lại nhiều lợi ích cho đảng Dân chủ. Đặc biệt là khi ông Biden tự nguyện rút lui và chỉ định người kế nhiệm trong nỗ lực đảm bảo quá trình chuyển giao suôn sẻ, giảm mâu thuẫn trong đảng.
"Nếu bạn đang lái xe lao thẳng ra khỏi vách đá. Chắc chắn sẽ có rủi ro khi rẽ trái hoặc rẽ phải. Nhưng vẫn còn cơ hội", Howard Wolfson, một cố vấn của đảng Dân chủ, nói. Ông Wolfson hoài nghi về việc ông Biden có thể thay đổi cục diện và đánh bại ông Trump.
Một số đảng viên Dân chủ khác, bao gồm các cố vấn của ông Biden, cho rằng, việc "thay ngựa giữa dòng" có thể dẫn đến mâu thuẫn nội bộ và chia rẽ trong đảng. Điều đó có thể khiến đảng phải kỳ vọng vào một ứng viên chưa được thử thách, làm tăng khả năng thắng của ông Trump.
Steve McMahon, một chiến lược gia của đảng Dân chủ từng làm việc trong chiến dịch tranh cử tổng thống của cựu Thống đốc Howard Dean của Vermont năm 2004, nói: "Việc chọn một người mới không phải là không có rủi ro đáng kể. Đó là lý do tại sao rất nhiều đảng viên Dân chủ phải cân nhắc kỹ việc có nên thay thế ông Biden hay không".
Đối với một số đảng viên Dân chủ, sự hỗn loạn và chia rẽ tiềm ẩn là lý do đủ để ông Biden tiếp tục cuộc đua.