Mỹ phẩm handmade, hiểu sao cho đúng?

Hà Minh | 18/10/2023, 07:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Mỹ phẩm handmade ngày càng được người tiêu dùng một lựa chọn, do đáp ứng nhu cầu nên sản phẩm này tương đối đa dạng, phong phú. Nhưng chị em phụ nữ nên cẩn trọng khi sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc tự nhiên này.

my-pham.jpg
Mỹ phẩm handmade - người tiêu dùng hiểu chính xác chưa?

Các loại mỹ phẩm handmade

Trên thị trường hiện nay, mỹ phẩm handmade rất đa dạng, tương đương với mỹ phẩm công nghiệp về chủng loại sản phẩm. Một số loại tiêu biểu như:

Son môi handmade: Đây là loại được sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất thị trường mỹ phẩm handmade, bao gồm cả son dưỡng, son màu, son dạng sáp hoặc dạng nước. Về cơ bản, loại này có giá tương đối phù hợp với chất lượng.

Dầu gội handmade: Đa số được sản xuất từ các nguyên liệu tự nhiên, truyền thống như thảo dược (hồi, quế, sả, tinh dầu, dầu dừa...). Dầu gội handmade có cả dầu nước và dầu khô. Giá thành của loại sản phẩm khá cao nhưng không đắt so với chất lượng. Tuy nhiên, do nguồn gốc thuần túy tự nhiên nên được người tiêu dùng tin cậy, ưa chuộng.

Nước hoa hồng handmade (toner): Dùng để dưỡng da mặt hàng ngày. Thông thường, loại sản phẩm này được sản xuất thủ công theo phương thức chưng cất từ nguyên liệu là cánh hoa hồng tự nhiên. Để có sản phẩm nước hoa hồng đạt chất lượng cao, thường nguyên liệu sẽ được trồng tự nhiên, không sử dụng hóa chất nông nghiệp.

Kem chống nắng handmade: Dùng để chống nắng do có chứa thành phần oxid kẽm (ZnO) để ngăn chặn tia UV và các thành phần thiên nhiên có tác dụng dưỡng da khác như sáp ong, dầu dừa...

Kem dưỡng da: Gồm kem chống lão hóa, kem dưỡng ẩm, kem dưỡng trắng, kem trị nám, trị thâm... Công thức của sản phẩm này khá đa dạng nhưng cơ bản được kết cấu ở dạng lotion gồm nước, dầu, chất nhũ hóa, hoạt chất, chất bảo quản và một số thành phần phụ khác.

my-pham-huu-co.jpeg

Lợi ích của việc lựa chọn mỹ phẩm handmade

Việt Nam là một thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp mỹ phẩm. Hướng đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống, kết hợp các xu thế mới về phong cách sống như sống xanh, hướng về tự nhiên, sống tối giản... người tiêu dùng dần có xu thế sử dụng mỹ phẩm handmade có nguồn gốc tự nhiên. Từ đó, thúc đẩy nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng này.

Tuy nhiên, mỹ phẩm handmade vẫn phải đối diện với 2 vấn đề “nóng” của thị trường mỹ phẩm trong nước:

Một là mỹ phẩm giá rẻ chất lượng kém: Không đủ tiền để mua sản phẩm tốt nhưng giá cao, người tiêu dùng vẫn sử dụng mỹ phẩm giá rẻ, chất lượng kém.

Hai là thị trường mỹ phẩm luôn đòi hỏi sản phẩm mới: Tất nhiên, đi kèm với sản phẩm mới là công thức, quy trình sản xuất, hiệu quả sử dụng trên người tiêu dùng...

Sản phẩm mới còn đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng theo xu hướng cá nhân hóa. Ngách sản phẩm càng nhỏ, sản phẩm càng có cơ hội hướng đến nhóm người tiêu dùng có đặc tính riêng.

Mỹ phẩm handmade đáp ứng được cả 2 vấn đề trên. Không chỉ có vậy, mỹ phẩm handmade còn tác động tích cực tới thói quen của người tiêu dùng.

Thay vì lựa chọn tùy ý một sản phẩm bất kì để sử dụng, người tiêu dùng đã có sự so sánh về giá cả, mẫu mã, tính tiện dụng ... Vì không nằm trong dây chuyền sản xuất đại trà với số lượng lớn nên mỹ phẩm handmade linh hoạt trong việc thiết kế mẫu mã, thích ứng nhanh với xu hướng xã hội, đồng thời, lại linh hoạt sản xuất riêng theo yêu cầu của cá nhân người tiêu dùng.

Người sử dụng mỹ phẩm handmade không chịu ảnh hưởng nhiều bởi tâm lý đám đông do năng lực quảng cáo của nhà sản xuất còn hạn chế. Tuy nhiên, nếu một sản phẩm được một cộng đồng lớn có phong cách sống xanh ưu tiên sử dụng thì đồng thời, cũng tạo ra hiệu ứng lôi kéo được nhóm lớn khách hàng mới.

Mỹ phẩm handmade còn phù hợp với hình thức bán lẻ hơn là bán số lượng lớn.

Những năm gần đây, doanh nghiệp bán lẻ đã chú ý tới sản phẩm mỹ phẩm handmade do nắm bắt được sự thay đổi về phong cách sống của xã hội.

Với vai trò là cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng trực tiếp, doanh nghiệp bán lẻ hiểu rõ nhu cầu của người tiêu dùng là cần các sản phẩm có chất lượng tốt với giá cả phù hợp, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong sử dụng.

Bên cạnh đó, đầu tư vốn vào các sản phẩm mỹ phẩm handmade thường không nhiều, có thể chủ động điều tiết theo năng lực tiêu thụ ở mỗi thị trường nhỏ.

Nếu đầu tư có chiến lược hơn, doanh nghiệp bán lẻ sẽ khắc phục những thiếu hụt trong quá trình quảng bá sản phẩm bằng cách đầu tư gây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị của sản phẩm trong thị trường. Từ đó, họ sẽ bán ra sản phẩm đó với giá cao hơn nhiều lần so với giá thành sản xuất.

Hình thức kinh doanh trực tuyến cũng góp phần không nhỏ trong sự phát triển của ngành hàng mỹ phẩm handmade này. Chỉ cần đầu tư vào công nghệ, nhanh nhạy với các phương thức tiếp thị của các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm handmade sẽ nhanh chóng tạo ra được cộng đồng tiêu dùng rộng lớn và nguồn thu tốt.

Như một mạch suối chảy ngầm trong lòng núi, với những giá trị tự thân từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, mỹ phẩm handmade có “môi trường” phát triển riêng của nó và cơ hội của riêng nó. Bởi nó gắn với sự thay đổi của lối sống con người hiện đại ngày càng gắn với tự nhiên, gần với tự nhiên.

(Còn tiếp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ phẩm handmade, hiểu sao cho đúng?