Mực nước ở các hồ chứa lớn tại Thái Lan thấp đáng lo ngại vì nắng hạn. Ảnh: Huy Tiến - Phóng viên TTXVN tại Thái Lan
Đồng quan điểm trên, nhà khí tượng học Phần Lan Mika Rantanen nhận định đợt nắng nóng tăng vọt từ đầu tháng 6 đến nay là bất thường và khá chắc chắn rằng nó sẽ dẫn đến một tháng 6 ấm áp kỷ lục.
Năm nay đã chứng kiến những đợt nắng nóng kỷ lục và nghiêm trọng bao trùm rộng khắp từ Puerto Rico qua Siberia cho đến Tây Ban Nha. Sức nóng thiêu đốt ở Canada đã góp phần gây ra những đám cháy rừng lớn gây ô nhiễm bầu trời thành phố New York và Washington của Mỹ vào tuần trước.
Theo một bản cập nhật do Noaa đưa ra hôm 14/6, thế giới vừa trải qua tháng 5 nóng thứ ba trong lịch sử 174 năm, với Bắc Mỹ và Nam Mỹ đều chứng kiến tháng 5 nóng nhất từng được ghi nhận.
Mặc dù Noaa đưa ra dự báo thận trọng hơn về kỷ lục nhiệt hàng năm vào năm 2023 với tỷ lệ xảy ra khoảng 12%, nhưng gần như chắc chắn năm nay sẽ nằm trong tốp 5 hoặc 10 năm nóng nhất.
Vào tháng 5, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã cảnh báo rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng cao trong vòng 5 năm tới, do hiện tượng El Nino cũng như khí thải nhà kính gây ra. Một năm nóng kỷ lục mới nhiều khả năng sẽ xảy ra trong giai đoạn này.
Cũng có khả năng cao là nhiệt độ trung bình sẽ vượt quá 1,5 độ C của thời kỳ tiền công nghiệp. Các chính phủ đều đồng ý đây là ngưỡng khiến nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và các tác động khí hậu khác trở nên tồi tệ hơn đáng kể.
Trong khi mọi người đang cảm thấy nóng trên đất liền, thì một làn sóng ấm áp thậm chí còn đáng chú ý hơn đang diễn ra ở biển. Noaa xác nhận nhiệt độ bề mặt đại dương đã cao kỷ lục vào tháng 5 và là tháng thứ hai liên tiếp lập kỷ lục. Nhiệt dư thừa ở các đại dương, bao phủ 70% bề mặt địa cầu, đã ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu nói chung, khiến cá chết hàng loạt, xóa sổ các rạn san hô và làm mực nước biển ven bờ dâng cao.
Bất kể năm 2023 có trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận hay không, các nhà khoa học cảnh báo rằng tác động leo thang của khủng hoảng khí hậu đang trở nên rõ ràng và sẽ không thể hạ nhiệt cho đến khi lượng khí thải nhà kính được cắt giảm triệt để.
Natalie Mahowald, nhà khoa học khí quyển tại Đại học Cornell, cho biết: “Nếu không cắt giảm khí thải mạnh hơn, những thay đổi mà chúng ta đang thấy sẽ chỉ là khởi đầu của những tác động bất lợi sắp tới. “Năm nay và những sự kiện cực đoan mà chúng ta đã thấy cho đến nay nên được coi là một lời cảnh báo”.