Năm của môi trường

Hải Yến | 02/01/2023, 07:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm 2022, chúng ta đã chứng kiến những tác động của biến đổi khí hậu với những đợt cháy rừng, lũ lụt, hạn hán.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đang tạo ra những cách mới để con người cùng tồn tại với thiên nhiên, từ việc can thiệp bộ gen của thực vật đến tạo ra các khu bảo tồn biển để bảo vệ con người và hành tinh.

Thỏa thuận khí hậu toàn cầu

Sau các cuộc đàm phán căng thẳng và kéo dài, Hội nghị khí hậu toàn cầu (COP27) vào tháng 11/2022 đã nhất trí về một thỏa thuận khí hậu toàn diện trong phiên bế mạc.

Phiên họp toàn thể đã thông qua điều khoản về việc thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” để giúp các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Thỏa thuận này được ca ngợi là sự công nhận lịch sử về sự bất công khí hậu toàn cầu đang gia tăng.

Bảo vệ thiên nhiên

Các khu bảo tồn biển rất quan trọng để hạn chế tốc độ tuyệt chủng nhanh chóng xảy ra do biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người như khoan, khai thác và vận chuyển.

Khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới là khu bảo tồn có tên Đài tưởng niệm Quốc gia hải dương Papahānaumokuākea ở Hawaii. Nó không chỉ bảo vệ sinh vật biển trong ranh giới của mình mà còn giúp sinh vật biển sống bên ngoài ranh giới phát triển.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 10/2022 cho thấy những chiếc thuyền đánh bắt cá ngừ bên ngoài ranh giới của khu bảo tồn đã đánh bắt được nhiều hơn kể từ khi khu bảo tồn được thành lập.

Các nhà khoa học cho rằng đây là kết quả của “hiệu ứng lan tỏa” của các khu bảo tồn biển, tức là khi quần thể cá trong công viên phát triển mạnh, chúng sẽ “tràn” sang các khu vực lân cận.

Mỹ đầu tư lịch sử vào khí hậu

Tại Mỹ, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) là một chiến thắng chính trị cho Trái đất. Được ký thành luật vào tháng 8, IRA đã đầu tư 369 tỷ USD vào các dự án năng lượng sạch và khuyến khích công nghệ tiết kiệm năng lượng như xe điện. Đây được xem là điều luật quan trọng nhất của Mỹ đối với khí hậu từ trước đến nay.

Phân tích khoa học cho thấy dự luật có thể giúp Mỹ chuyển đổi nhanh hơn sang năng lượng tái tạo. Đến cuối thập kỷ này, 81% năng lượng của Mỹ có thể đến từ các nguồn như năng lượng gió và Mặt trời. Dự luật cũng lặng lẽ đưa ra khoản phí đầu tiên của Mỹ đối với khí nhà kính là mêtan, một nguồn ô nhiễm làm hành tinh nóng lên mạnh hơn carbon dioxide (CO2).

Tận dụng thành tựu công nghệ

Khi con người bơm thêm CO2 vào khí quyển, thực vật đóng vai trò thiết yếu trong việc loại bỏ carbon đó khỏi không khí và lưu trữ dưới lòng đất. Sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR, các nhà khoa học đang bắt tay vào một dự án nghiên cứu để cố gắng can thiệp vào quá trình quang hợp, hút carbon ra khỏi không khí hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đang ưu tiên thay đổi cách trồng cây để lấy lương thực, bởi diện tích đất trồng trọt ngày càng bị thu hẹp do dân số tăng và quá trình đô thị hóa. Để làm như vậy, các nhà khoa học đang có những bước tiến trong đổi mới thực phẩm sánh ngang với khoa học viễn tưởng.

Nghiên cứu được công bố trong năm 2022 cho thấy, chúng ta có thể trồng một số loại cây ăn được như tảo, nấm mà không cần để chúng quang hợp, xây dựng các nhà kính thử nghiệm dưới đáy biển để bảo tồn nước và năng lượng.

Xử lý nhựa

Nhựa ở khắp mọi nơi, trong nước, không khí và thậm chí cả máu của chúng ta. Vậy nên, vào tháng 3/2022, Liên Hợp Quốc đã đồng ý đàm phán một hiệp ước toàn cầu vào năm 2024 nhằm hạn chế dòng chảy của nhựa.

Hiệp ước về mặt pháp lý này sẽ yêu cầu các quốc gia làm sạch ô nhiễm nhựa của họ. Đây là một khuôn khổ nghiêm ngặt hơn so với việc các quốc gia tự nguyện giảm phát thải theo Thỏa thuận khí hậu Paris.

Tháng 6/2022, bang California của Mỹ thông qua luật nhằm giảm 1/4 lượng nhựa trong các sản phẩm sử dụng một lần trong 10 năm tới. Hạn chế sản xuất, thay vì cải thiện khả năng tái chế, là một sự thay đổi đáng kể trong cách các chính phủ giải quyết ô nhiễm nhựa.

Bảo vệ và khôi phục thiên nhiên

Năm của môi trường ảnh 1

Ảnh minh họa.

Ở các rạn san hô nhiệt đới của Hawaii, thiên nhiên đang tìm cách thích nghi với biến đổi khí hậu. Hai loài san hô thường được tìm thấy có thể sống thành công ở nhiệt độ đại dương ấm hơn, theo nghiên cứu được công bố vào tháng 3. Sự thích nghi này mang lại một số hy vọng rằng các rạn san hô, vốn bị chết hàng loạt trong các đợt nắng nóng, có thể tồn tại khi nhiệt độ tăng cao.

Trong khi đó, con người đang giúp đỡ thiên nhiên rất nhiều thông qua phong trào tái hoang dã. Đây là quá trình phục hồi các loài động thực vật đã mất. Scotland, nơi cam kết trở thành “quốc gia hoang dã” đầu tiên trên thế giới, đang mang lại sự sống cho những khu rừng đã bị mất trong nhiều thế kỷ.

Ở bang California và Louisiana của Mỹ, thiên nhiên được phép điều chỉnh tiến trình của chính nó. 4 con đập dọc theo hạ lưu sông Klamath của California sẽ bị phá bỏ để khôi phục môi trường sống quan trọng của cá hồi…

Quy định mới về nước uống

Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) của Mỹ đã đề xuất một quy tắc nước uống mới để giải quyết các hóa chất có tên là PFAS vốn có trong các đồ gia dụng hàng ngày: Áo mưa, thảm, rèm cửa, chảo chống dính.

Các nghiên cứu cho thấy chúng có trong máu của hầu hết mọi người và chúng ta chỉ mới bắt đầu tìm hiểu về những hậu quả sức khỏe lâu dài do nó gây ra. Một tiêu chuẩn về nước uống sẽ là bước quan trọng hướng tới việc điều chỉnh PFAS trong nước máy và là một chiến thắng về môi trường cho năm tới.

Theo National Geographic

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan
Xóa bạo hành trong môi trường giáo dục
Trẻ em bị bạo hành không chỉ tổn thương về thể chất, mà còn sang chấn tâm lý dai dẳng. Do đó, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm của môi trường