"Khi nhìn thông báo điểm thi, chiếc bánh mỳ gặm dở trên tay em rơi xuống, rồi sau đó là những vết trượt dài từ áp lực gia đình, bạn bè, khiến em thu mình lại vì không có chỗ bám víu...". Đó là những lời tâm sự, chia sẻ nghe đầy xót xa của Đỗ Việt Anh (khi đó là học sinh lớp 11D Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy, Hà Nội) về việc thi trượt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập ở Hà Nội.
"Mọi thứ như từ trên đỉnh rơi xuống vực thẳm và tiếp sau đó là những ngày áp lực đến đáng sợ. Gia đình biết tin con trai thi trượt thì gần như hỗn loạn. Bố mẹ em không ai nói với nhau câu gì.
Khi thông báo qua điện thoại, mẹ Việt Anh còn tưởng là em đùa và không thể tin việc con mình có thể trượt được. Khi biết đó là sự thật, mẹ đã phóng vội từ cơ quan về nhà và ôm lấy em mà khóc.
Ngày thường, khi về thì bố em sẽ dắt xe vào nhà trước rồi mới vào. Nhưng chiều ngày hôm đó, bố để xe ở ngoài ngõ và chạy thẳng vào nhà và chỉ hỏi một câu: 'Sao rồi con?'. Khi sự thật được khẳng định, ông đi một mạch lên phòng không nói một lời.
Lúc đó em nghĩ 9 năm học tập của mình gần như bỏ đi. Em cũng không biết nên xử sự thế nào với bố mẹ. Tối đó, bố mẹ có lời qua tiếng lại với nhau.
Một phần của cuộc cãi vã mà em có nghe được là bố dường như mất hoàn toàn niềm tin vào em và cho rằng em là người không thể theo được con đường học vấn và hiện thực ước mơ trở thành nhà báo".
Vì đã trượt vào lớp 10 công lập, ngay ngày hôm sau, mẹ Việt Anh giấu bố đưa em đi đăng ký học tại một trường tư ở Hà Nội. Trong khi đó, bố Việt Anh vẫn chẳng thể nguôi ngoai nỗi thất vọng này, thậm chí có lần bố đã nói với Việt Anh rằng không nên đi học nữa mà nên kiếm một công việc gì đó để đi làm.
"Học nữa cũng chả làm được gì đâu", câu nói của bố khiến mọi cảm xúc dồn nén trong Việt Anh bung ra, kết quả là hai bố con cãi nhau thậm tệ.
Việt Anh tiếp tục đến trường, học tại một ngôi trường tư chứ không phải trường điểm công lập mà em hằng ao ước. Những ngày sau đó với Việt Anh vẫn nặng nề, em đi học với tâm trạng ám ảnh vì thi trượt cấp 3, không nói, chẳng rằng với bạn bè, thầy cô mới.
Bước ngoặt thay đổi đến với Việt Anh khi cô chủ nhiệm chỉ định em làm lớp trưởng tạm thời. Việt Anh kể lại: "Trong em lúc đó có 2 luồng suy nghĩ đấu tranh nhau. Một là: mình là một đứa trượt cấp 3, làm lớp trưởng nói ai người ta nghe hay nể. Suy nghĩ khác là: thôi cứ làm đến đâu thì làm, cố được đến đâu thì cố. Nhưng rồi, được sự động viên của cô Thủy, giáo viên chủ nhiệm, em đã nhận lời".
Trong một giờ Lịch sử, giáo viên yêu cầu một người lên thuyết trình. Cả lớp giơ tay, nhưng cô lại chỉ đích danh Việt Anh. "Lúc đó em cũng trước 2 suy nghĩ. Một vẫn là "Mình nói thì ai nghe bởi vì mình là một đứa… trượt cấp 3". Suy nghĩ khác thì "thôi cứ lên, làm được đến đâu thì làm".
Được sự động viên của cô giáo dạy Lịch sử, em đã đứng lên thuyết trình và khiến cả lớp khâm phục, lắng nghe. Từ lần đó, chàng lớp trưởng cảm giác mình thực sự đã tìm lại sự tự tin đã mất. Em dần không còn ám ảnh về "cú ngã đầu đời" nữa. Trong khi đó, bố mẹ em cũng bắt đầu có cái nhìn thay đổi và tin tưởng em trở lại.
Câu chuyện về chàng lớp trưởng trượt dài không lối thoát sau khi thi trượt lớp 10 năm đó đã mạnh mẽ vượt qua, dám sống, dám theo đuổi con đường tri thức thực sự truyền cảm hứng cho nhiều người.
Đỗ Việt Anh chia sẻ về thất bại đầu đời