Hình vẽ bậy gây mất thẩm mỹ trên đường Nguyễn Huệ (quận 1).
Tương tự, khu vực chờ tái lập ngay cửa Nam chợ Bến Thành nhếch nhác hình vẽ bậy, nghệch ngoạc. Hình vẽ tràn vào phía bên trong nhà, nhiều hình thù khó hiểu.
“Hình vẽ bậy thì nơi nào cũng có nhưng ở nơi trung tâm hay đông đúc người qua lại thì thật xấu hổ với khách du lịch” - bà Nguyệt, quận 1 chia sẻ.
Khu chờ tái lập đường Hàm Nghi (quận 1) cũng "không thoát khỏi" hình vẽ bậy.
Các bức tường được dựng che chắn cho công trình trên đường Hàm Nghi (quận 1) cũng không thoát khỏi nạn vẽ bậy. Đáng kể hơn, trên đó còn treo, dán nhiều hình ảnh khiêu dâm, quảng cáo cho website đen với kích thước nhỏ.
Đường Trường Sa (quận 3) cũng chi chít hình vẽ.
“Mong sao những hình ảnh này sớm được chỉnh đốn để hình ảnh TP.HCM luôn đẹp trong mắt người dân và khách du lịch” - ông Nam, quận 11 hy vọng.
Không chỉ tràn ngập hình vẽ, khu vực chờ tái lập ngay cửa Nam chợ Bến Thành cũng nhếch nhác rác thải sinh hoạt, rác thải từ công trình dang dở. Nhiều khách du lịch, người dân đi qua đây đều né tránh, đi cách xa hoặc đi vòng đường khác.
Rác thải tại khu chờ tái lập (quận 1).
Bên cạnh các hình vẽ bậy nhan nhản đường phố kiểu graffiti thì giờ người vẽ bậy sẵn sàng "xâm nhập" vào những khu vực khó hơn. Đơn cử tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cũng đã hai lần bị vẽ bậy. Chủ đầu tư và nhà thầu sau đó phải phối hợp với công an để điều tra, tìm ra người vẽ bậy. Nhà thầu của metro số 1 đã phải tăng cường bảo vệ, lắp đặt camera để "canh chừng".
Cạnh đó, dọc tuyến metro số 1 cũng bị vẽ bậy với nhiều hình thù nhếch nhác. Dù tuyến metro số 1 chưa được hoạt động song các nhà thầu cũng phải tẩy xóa nhiều lần. Hay như cầu Ba Son, quận 1 cũng nhiều lần bị vẽ bậy, phải tẩy xóa.
Giải pháp đưa ra của Sở GTVT TP.HCM là lắp đặt camera để xử lý.