Nâng bước trò nghèo

25/03/2024, 12:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều năm qua, tập thể giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Diên Bình, Đăk Tô, Kon Tum) đã đỡ đầu cho hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Phải đến trường 2 buổi/ngày, con đường đi học - về nhà của học sinh Kon Hring và Đăk Kang Pêng như dài vô tận. Thời gian đầu, học sinh 2 làng trên chỉ đi bộ. Mệt cái chân, một số em chỉ đi học 1 buổi, có em bữa đi, bữa nghỉ. Sĩ số không đảm bảo khiến chất lượng học tập dần sa sút.

Cô Phạm Thị Bích Hương - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn nhà trường nhớ lại, thời gian đầu, giáo viên của trường tự bỏ tiền túi để nấu ăn cho học sinh. Thế nhưng, đồng lương của giáo viên hạn hẹp nên chỉ giải quyết được ngày một ngày hai.

“Muốn giải quyết triệt để vấn đề cần rút ngắn quãng đường hoặc thời gian di chuyển của các em. Thế nhưng, học sinh ở làng Kon Hring và Đăk Kang Pêng đa số có hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy, nhiều giáo viên nhà trường đã tìm mua xe đạp cũ còn sử dụng được để tặng trò”, cô Hương chia sẻ.

Phong trào tặng xe đạp cho trò nghèo dần nhân rộng, giáo viên trong trường cũng kêu gọi thêm các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn chung tay hỗ trợ. Sau nhiều năm phát động, công đoàn nhà trường đã kêu gọi, vận động và hỗ trợ hơn 100 chiếc xe cho học sinh hoàn cảnh khó khăn. Cũng từ đây, sĩ số lớp được đảm bảo, chất lượng học tập vì thế nâng cao.

Cô Hoàng Thị Thanh Hải - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường có 19 lớp với 645 học sinh, trong đó 314 em người dân tộc thiểu số. Thấu hiểu hoàn cảnh các em, nhiều năm qua, nhà trường tìm cách hỗ trợ bằng nhiều chương trình.

Trong đó, trường phát động kêu gọi, hỗ trợ hơn 100 xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải đi bộ đến trường. Hằng năm, trường cũng huy động các đơn vị hỗ trợ hàng trăm thẻ bảo hiểm y tế cho trò nghèo.

“Đặc biệt những năm qua, tập thể giáo viên nhà trường phát động mô hình đỡ đầu học sinh vùng khó. Mỗi giáo viên đỡ đầu cho 2 - 3 học sinh tùy theo khả năng của mình. Hình thức hỗ trợ bằng nhiều cách như mua quần áo, dụng cụ học tập, bảo hiểm y tế, xe đạp. Chỉ trong giai đoạn 2022 - 2024, 35 giáo viên của trường đã và đang đỡ đầu cho 50 em”, cô Hải nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô cho hay, hằng năm ngành GD-ĐT huyện có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học thường xuyên quan tâm, giúp đỡ học sinh dân tộc thiểu số, nghèo, mồ côi... được đến trường, lớp đầy đủ.

Với mô hình “Mẹ đỡ đầu”, một số đơn vị trên địa bàn huyện đang triển khai. Đặc biệt, Trường THCS Nguyễn Du là một trong những đơn vị tiêu biểu, thực hiện tốt mô hình này. Phòng GD&ĐT nhận thấy mô hình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cần nhân rộng, lan tỏa, giúp học sinh có điều kiện đến lớp.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nang-buoc-tro-ngheo-post676511.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nang-buoc-tro-ngheo-post676511.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng bước trò nghèo