Đáng chú ý, nhiều chính sách hỗ trợ trẻ mầm non đã được thực hiện tốt. Tính đến hết năm học 2021-2022, theo tổng hợp số liệu báo cáo từ 63 tỉnh, thành phố, có 995.821 lượt trẻ em mẫu giáo được hỗ trợ ăn trưa với kinh phí hơn 1.170 tỷ đồng.
Đến hết tháng 9/2022, 40 tỉnh, thành phố đã ban hành nghị quyết HĐND quy định mức hỗ trợ cụ thể đối với trẻ em, trong đó, 5 tỉnh ban hành mức hỗ trợ cao hơn so với quy định. Theo tổng hợp số liệu báo cáo từ 40 địa phương này, có khoảng hơn 86.000 trẻ em thuộc đối tượng nhận hỗ trợ.
Các chính sách này đã tác động sâu sắc đối tới phát triển GDMN và hỗ trợ trẻ em vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tăng tỉ lệ huy động trẻ đến trường và tỉ lệ chuyên cần; nâng tỉ lệ trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục 2 buổi/ngày, từ đó giảm tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Chính sách với giáo viên cũng được đặc biệt quan tâm
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GDMN để tham mưu và quy định theo thẩm quyền bổ sung những vấn đề mới, đáp ứng yêu cầu phát triển GDMN. Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án "Phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2023-2030" và đề án "Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030".
Tính đến hết năm học 2021-2022, toàn quốc có 28.837 giáo viên được hưởng chính sách đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số, tổng kinh phí đã thực hiện gần 561 tỷ đồng. Trong đó, số giáo viên mầm non dạy lớp ghép 2-3 tuổi là 9.578 người, giáo viên dạy lớp ghép 3 độ tuổi trở lên là 7.478. Cả hai đối tượng này chiếm 65.1% so với toàn quốc. Số giáo viên mầm non dạy tăng cường tiếng Việt là 12.718.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) Cù Thị Thủy, chính sách với giáo viên cũng được đặc biệt quan tâm. Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 105/2020/NĐ-CP, HĐND tỉnh ban hành mức hỗ trợ tối thiểu đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp có chăm sóc từ 30% trở lên trẻ là con công nhân, mức hỗ trợ tối thiểu là 800.000 đ/người/tháng. Đến nay đã có 40 tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết, trong đó 38 tỉnh, thành phố có mức hỗ trợ bằng mức quy định tại Nghị định, 2 thành phố là Hà Nội và Hải Phòng có mức hỗ trợ cao hơn. Theo thống kê của các địa phương này, 4.666 giáo viên mầm non đủ điều kiện được nhận hỗ trợ.
Nhiều cơ sở GDMN đã huy động thêm sự đóng góp của phụ huynh và các ban ngành, đoàn thể (hội phụ nữ, đoàn thanh niên…) tăng gia sản xuất, trồng rau sạch, đóng góp trứng, thịt, gạo, củi, hỗ trợ ngày công nấu ăn... để nâng cao chất lượng ăn bán trú cho trẻ tại trường. Chính sách này đã tác động sâu sắc đối với việc phát triển GDMN nói chung, cũng như trẻ em vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Về phía địa phương, Bộ GD&ĐT yêu cầu cần chú trọng quán triệt và thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách, các quy định về quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của địa phương. Bảo đảm việc phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành. Tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý đối với các cơ sở GDMN, nhất là các cơ sở GDMN ngoài công lập.