Bồi dưỡng nhà giáo cần đặt trong hệ quy chiếu, với nhiều yếu tố phải cân nhắc như: Giáo viên có kinh nghiệm, ít thời gian, nhiều mối quan tâm…
Vì thế, bồi dưỡng phải có tác động “đủ liều”, với các nguyên tắc, chu trình được đặt ra cụ thể.
Dưới sự chỉ đạo và “xắn tay” vào cuộc của Trường Sư phạm (ĐH Huế), TS Lê Thị Ngọc Anh không chỉ tham gia tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp cho đội ngũ giáo viên cốt cán, mà còn hỗ trợ đắc lực giáo viên đại trà thông qua nhiều hình thức: Từ trực tiếp đến trực tuyến, thậm chí thành lập các nhóm để thuận tiện hỗ trợ thầy, cô khi có nhu cầu. “Tôi tâm niệm, bồi dưỡng những gì giáo viên cần. Đây là nguyên tắc làm việc của bản thân khi tham gia vào hoạt động bồi dưỡng giáo viên và cũng là yêu cầu của lãnh đạo nhà trường”, TS Lê Thị Ngọc Anh chia sẻ.
Do hầu hết học viên tham gia bồi dưỡng là giáo viên có kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy. Nhiều thầy, cô tham gia bồi dưỡng nhưng vẫn phải đảm nhiệm việc trường, lớp và công việc gia đình… Vì thế, chương trình, cách thức bồi dưỡng được TS Lê Thị Ngọc Anh chọn lọc, đúng và trúng nhu cầu, mục đích; tránh lan man vào những vấn đề mà giáo viên đã biết, thấm nhuần từ quá trình giảng dạy.
“Trước khi tham gia bồi dưỡng, chúng tôi được nhà trường tổ chức tập huấn, nghiên cứu kỹ tài liệu. Khi “bắt tay” vào việc, chúng tôi chuẩn bị kịch bản, bài giảng để cùng thảo luận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn giảng dạy, đồng thời có thể hỗ trợ giáo viên trong và sau bồi dưỡng”, TS Lê Thị Ngọc Anh trao đổi.
Ngoài đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên. PGS.TS Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng khẳng định, nhà trường tích cực, chủ động tham gia nhiệm vụ này. Đơn cử như, công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhận được phản hồi tích cực của các địa phương.
Nhà trường thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tại các tỉnh. Từ năm 2017 đến nay, trường tổ chức bồi dưỡng khoảng 3.000 giáo viên phổ thông cốt cán và hỗ trợ bồi dưỡng gần 60.000 giáo viên đại trà. Từ hoạt động này, giáo viên có cơ hội phát triển chuyên môn, năng lực sư phạm. Qua đó, đáp ứng yêu cầu đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, đội ngũ giảng viên của trường sư phạm cũng “bắt nhịp” cùng quá trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiền - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bồi dưỡng nhà giáo cần đặt trong hệ quy chiếu, với nhiều yếu tố phải cân nhắc như: Giáo viên là học viên người lớn (có kinh nghiệm, ít thời gian, nhiều mối quan tâm…); bồi dưỡng, đào tạo phải có tác động đủ liều mới đưa đến sự thay đổi.
Nguyên tắc trong hoạt động này là: Độ dài thời gian việc bồi dưỡng phải đảm bảo phù hợp và liên tục; có sự hỗ trợ trong quá trình thầy cô bắt đầu vận dụng. Ngoài ra, cần giới thiệu cho giáo viên kiến thức, kỹ năng mới bằng nhiều kỹ thuật, phương pháp dạy học tích cực. Làm mẫu cũng là biện pháp hiệu quả nhất giúp giáo viên hiểu về phương pháp dạy học mới; đặc biệt, nội dung được trình bày với giáo viên cần cụ thể.
Chia sẻ về chu trình bồi dưỡng giáo viên, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay: Xác định nhu cầu; lập kế hoạch; thực hiện; lập hồ sơ bồi dưỡng; phản hồi; đánh giá và vận dụng chia sẻ; trong đó yếu tố tự học được coi là tâm điểm của chu trình.
Liên quan đến bồi dưỡng, đào tạo giáo viên, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh đề xuất, cần bồi dưỡng cho người nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy. Bởi lâu nay họ chưa được công nhận chính danh là nhà giáo. Khi được cấp chứng chỉ hành nghề và công nhận nhà giáo, đội ngũ này cần được bồi dưỡng về văn hóa, đạo đức nghề giáo Việt Nam.
Theo ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), các trường sư phạm có trách nhiệm đào tạo giáo viên, còn trách nhiệm đào tạo giảng viên thuộc về cơ sở giáo dục đại học. Chương trình đào tạo giáo viên phải được kiểm định chất lượng.
Về hoạt động bồi dưỡng nhà giáo, ông Vũ Minh Đức cho hay, nội dung bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất và năng lực; đồng thời phải cập nhật kiến thức, kỹ năng đáp ứng chuẩn nhà giáo. Việc bồi dưỡng phải đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và yêu cầu của thị trường lao động.
Có nhiều hình thức bồi dưỡng nhà giáo như: Tập trung; học tập, trao đổi kinh nghiệm; hoạt động nghiên cứu khoa học, sinh hoạt chuyên đề, chuyên môn, hội nghị, hội thảo, trao đổi học thuật trong và ngoài nước. Ngoài ra, nhà giáo có thể tự học, tự nghiên cứu hoặc tự học có hướng dẫn.
Ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh, đối với nhà giáo khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng phải chấp hành nội quy, có ý thức học tập tốt… Thực tiễn cho thấy, nhiều địa phương khi triệu tập giáo viên tham gia một số khóa bồi dưỡng trong dịp hè nhưng hiệu quả không cao. Ý thức học tập, tham gia của các thầy cô còn hạn chế; thậm chí có người làm việc riêng nhiều hơn tiếp cận với nội dung bồi dưỡng. Do đó, chúng ta cũng cần có quy định về trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo.
GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mong muốn, khi có Luật Nhà giáo sẽ kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ; trong đó công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần được chú trọng và thường xuyên. Trên tinh thần đó, cơ sở đào tạo giáo viên, đội ngũ giáo viên và giảng viên các trường sư phạm cần đổi mới một cách đồng bộ.