“Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, việc huy động nguồn vốn viện trợ không hoàn lại nhằm phục vụ công tác dạy và học nói chung, giáo dục cho học sinh khuyết tật nói riêng là cần thiết. Khoản viện trợ hướng đến mục tiêu tăng cường tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật, cải thiện môi trường giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật tại cộng đồng”, ông Phan Hữu Huyện cho hay.
Ông Hồ Sỹ Quảng – Giám đốc Tổ chức Tổ chức Medipeace tại Việt Nam trao đổi về dự án hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật. |
Thông qua dự án, dự kiến gần 75% học sinh khuyết tật tại Trường trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị được lập kế hoạch giáo dục cá nhân và áp dụng giáo dục cá nhân. Dự án sử dụng nguồn nhân lực có sẵn của Sở GD&ĐT và Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị do đó nguồn nhân lực của dự án được đảm bảo để có thể tiếp tục sau khi dự án kết thúc.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Trị đề nghị, các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ để hoàn thành mục tiêu dự án giai đoạn 1; phía dự án phối hợp với Sở GD&ĐT để quản lí tổng thể, thực hiện dự án; cung cấp, chia sẻ thông tin tất cả các hoạt động tổ chức hội thảo, sự kiện, khảo sát, các chương trình đào tạo, lập kế hoạch theo từng cá nhân, xây dựng tài liệu giáo dục kĩ năng sống cho các đối tượng hưởng lợi.
Các đơn vị chuyên môn thuộc Sở GD&ĐT tham mưu Sở GD&ĐT quản lý, thực hiện các hoạt động dự án đảm bảo đúng mục đích, phù hợp với chuyên môn, chương trình giáo dục và theo đúng quy định.
Ông Hồ Sỹ Quảng – Giám đốc Tổ chức Medipeace tại Việt Nam cho biết: Dự án được triển khai rất phù hợp, góp phần quan trọng trong quá trình đạt được mục tiêu của đề án phát triển trường trẻ em khuyết tật của UBND tỉnh trong giai đoạn tới.
“Đơn vị mong muốn ngành Giáo dục và các đơn vị liên quan tích cực phối hợp để các hoạt động diễn ra đồng bộ, đạt hiệu quả. Qua đó, hoàn thành các hoạt động giai đoạn 1 đạt kết quả tốt nhất”, ông Hồ Sỹ Quảng nhấn mạnh.
Đại diện các bên liên quan thảo luận về dự án. |
Dự án Tăng cường quyền tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật dựa vào cộng đồng tại miền Trung Việt Nam giai đoạn 2023-2025 do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thông qua Tổ chức Medipeace tài trợ Sở Giáo dục và Đào tạo.
Dự án thực hiện ở 3 tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình và TP Đà Nẵng, trong 3 năm. Ngân sách do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ thông qua tổ chức Medipeace với số tiền 281.126 USD (tương đương với gần 7 tỷ đồng).
Trong giai đoạn 1, mục tiêu dự án hướng tới là Xây dựng năng lực để cải thiện chất lượng giáo dục phù hợp với học sinh khuyết tật; cải thiện môi trường giáo dục cho học sinh khuyết tật tại cộng đồng.