Tỉnh Yên Bái triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng hệ thống giáo dục hoàn chỉnh theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, người dân.
Cải thiện bữa ăn bán trú
Từ lâu nay, an toàn bữa ăn học đường luôn là nỗi lo lắng của phụ huynh. Để phụ huynh yên tâm, các trường học ở tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh.
Nằm ở ven thành phố Yên Bái, năm học 2024-2025, Trường Mầm non Văn Phú có 291 trẻ ở hai điểm trường. Xác định bữa ăn học đường đóng vai trò quan trọng trong phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ, nhà trường đề ra nhiều giải pháp đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm hằng ngày.
Nhà trường ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với cơ sở có uy tín, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; thường xuyên kiểm tra nguồn thực phẩm và thực hiện khâu sơ chế, sử dụng, bảo quản trong bếp ăn. Trường xây dựng khẩu phần ăn đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp lứa tuổi của trẻ, nhờ vậy, chất lượng bữa ăn cho trẻ luôn đảm bảo.
Nhân viên nuôi dưỡng Trường Mầm non Văn Phú Đỗ Thị Phượng chia sẻ: "Chúng tôi luôn trau dồi kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo bữa ăn cho trẻ. Trong quá trình chế biến luôn tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo mặc đầy đủ quần áo bảo hộ, đeo găng tay và thực hiện nghiêm túc lưu mẫu thực phẩm".
Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Văn Phú Lương Mai Loan, dinh dưỡng là một trong những nội dung trọng tâm của nhà trường bởi thời gian ở trường của trẻ gần như chiếm trọn một ngày. Đặc biệt, trong thời điểm giao mùa, trẻ rất kén ăn, nhà trường kịp thời cân đối, đảm bảo món ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng để các con ăn hết khẩu phần ăn của mình.
Nhờ thực hiện tốt việc kiểm soát nghiêm ngặt đầu vào, quy trình chế biến thực phẩm đảm bảo vệ sinh nên chất lượng bữa ăn của học sinh bán trú luôn đảm bảo đủ số lượng, dinh dưỡng, góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn cho trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện.
Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Yên Bái Nguyễn Văn Hiệp cho biết, thành phố hiện có 45 trường học các cấp với trên 21.000 học sinh. Để nâng cao chất lượng bữa ăn, Phòng chỉ đạo các trường học căn cứ tình hình thực tế có giải pháp hiệu quả. Phòng yêu cầu các trường xây dựng thực đơn theo mùa, thay đổi theo tuần, cân đối đủ chất, đáp ứng nhu cầu năng lượng, dinh dưỡng cho học sinh ở từng độ tuổi.
Phòng tăng cường kiểm tra đột xuất và thường kỳ. Nhờ đó, chất lượng bữa ăn tại các trường được đảm bảo và ngày càng nâng cao. Từ nhiều năm nay, trên địa bàn thành phố chưa xảy ra vụ việc về ngộ độc thực phẩm trong trường học.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Song song với đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú tại các trường học, ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái chú trọng công tác chuyển đổi số. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, công tác dạy và học tại các trường trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét.
Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn Phú, thành phố Yên Bái, năm học này có 886 học sinh ở hai điểm trường. Thực hiện chuyển đổi số, nhà trường được hỗ trợ các thiết bị phục vụ giảng dạy và ứng dụng phần mềm trong dạy học, quản lý. Nhờ đó, giúp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường tiết kiệm thời gian, chi phí di chuyển và in ấn tài liệu. Đồng thời, giúp nhà trường lưu trữ tài liệu trên không gian mạng, đảm bảo an toàn, bảo mật.
Ứng dụng công nghệ thông tin, các giáo viên có thể theo dõi năng lực của học sinh thông qua nhiều môn học khác nhau, cả trên phương diện cá nhân và tập thể.
Cô giáo Dương Thiên Thanh, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Văn Phú chia sẻ: Giáo án điện tử giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, tài chính, tạo điều kiện cho công tác giảng dạy trong nhà trường, giúp cô trò tương tác dễ dàng. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học giúp học sinh thích thú, hào hứng và giáo viên dễ truyền tải một cách sinh động.
Cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Văn Phú cho hay: Mặc dù được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất nhưng hiện nay nhà trường còn thiếu thiết bị phục vụ công tác giảng dạy. Bởi trường được sáp nhập từ 2 xã, lượng học sinh đông, cơ sở vật chất hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu học tập. Cô Phượng mong muốn, thời gian tới, được chính quyền các cấp và nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ nhà trường mua sắm thiết bị dạy học giúp học sinh học tập thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Tương tự, năm học 2024-2025, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trạm Tấu ở huyện Trạm Tấu có 20 lớp với 591 học sinh; trong đó có trên 98% học sinh đồng bào Mông. Là điểm trường còn nhiều khó khăn của tỉnh Yên Bái nhưng năm học mới này, diện mạo nhà trường trở nên khang trang hơn nhờ tích cực chuyển đổi số.
Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trạm Tấu cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi số của tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Các phòng học có đầy đủ thiết bị phục vụ giảng dạy như: Hệ thống máy tính, đường truyền mạng, máy chiếu, ti vi thông minh, hệ thống âm thanh. Nhà trường còn tập huấn cho 100% giáo viên trong việc khai thác, sử dụng phần mềm vào giảng dạy.
Những năm qua, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đạt nhiều kết quả trong chuyển đổi số. Đến nay, toàn tỉnh có trên 98% giáo viên ứng dụng chuyển đổi số nhằm đổi mới phương pháp dạy học.
Việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy học môn Tin học được quan tâm; hơn 72% trường có đủ phòng máy tính theo quy định tổ chức dạy học. 100% trường học có mạng internet cáp quang phục vụ hoạt động quản lý, dạy học và 100% học sinh có học bạ điện tử và sổ điểm điện tử.
Thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo Yên Bái tiếp tục triển khai giải pháp về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong đó, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng. Đồng thời, thực hiện đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.