Đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học cho chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho giáo viên trên địa bàn.
Đại diện các cán bộ quản lý, giáo viên trong các cấp THCS, THPT của khu vực Miền Tây (TX. Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải) đã tham gia buổi tập huấn cách sử dụng màn hình tương tác thông minh, phòng học ngoại ngữ.
Qua đó, các thầy cô sẽ củng cố thêm các kỹ năng để sử dụng hiệu quả hệ thống màn hình hiện đại này trong việc giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Bảng tương tác là một công cụ hữu ích giúp tăng tính tương tác giữa giáo viên và học sinh. Giáo viên có thể dễ dàng trình bày các nội dung học tập và giảng dạy trên màn hình tương tác, cũng như tương tác trực tiếp với học sinh thông qua các tính năng của thiết bị.
Điều này giúp giáo viên tạo ra một môi trường học tập thân thiện và tạo động lực cho học sinh tham gia và tương tác nhiều hơn trong quá trình học. Với những tính năng như tạo sự chú ý với chức năng highlight, viết tay trên màn hình để giải thích ý tưởng, hay thậm chí là kết nối đến các thiết bị khác, màn hình tương tác giúp giáo viên có thể tổ chức bài giảng một cách chuyên nghiệp và linh hoạt hơn.
Việc ứng dụng và sử dụng các công cụ hiện đại trong giảng dạy sẽ giúp giáo viên chủ động hơn trong việc truyền đạt kiến thức, thực hiện đúng sứ mệnh là người định hướng và hỗ trợ, giúp học sinh hình thành riêng kiến thức của các em.
Nhờ vào những công năng vượt trội và nhiều tính năng tiện dụng sản phẩm được ứng dụng trong dạy học. Với cách dạy truyền thống, thầy cô sẽ sử dụng tranh ảnh, nội dung liên quan treo trên bảng hoặc dùng máy chiếu để trình chiếu hình ảnh. Tuy nhiên với cách dạy này sẽ khiến cho hình ảnh bị mờ, khó nhìn và thiếu hấp dẫn.
Ngược lại, nếu dùng màn hình tương tác nội dung, hình ảnh sẽ được trình chiếu lên màn hình chân thực, sinh động với độ phân giải cao, sắc nét và màu sắc tự nhiên. Điều này sẽ giúp thu hút được sự quan tâm và chú ý của học sinh. Từ đó giúp chất lượng bài giảng được tốt nhất.
Với phòng học ngoại ngữ đã giúp giáo viên bộ môn Tiếng Anh tăng cường sử dụng các trang mạng xã hội, các tài nguyên trực tuyến, ứng dụng các công cụ, nền tảng hỗ trợ trực tuyến đã được Sở GD&ĐT tập huấn.
Hoặc thông qua các khóa bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin do Sở GD&ĐT tổ chức vào bài giảng nhằm giúp giáo viên tạo nên các tiết học sinh động, có tính tương tác cao.
Từ đó nâng cao hiệu quả của một tiết dạy và tiết kiệm được thời gian, công sức của giáo viên trong quá trình soạn giảng và kiểm tra, đánh giá. Do vậy, chất lượng dạy và học bộ môn Tiếng Anh ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Theo Sở GD&ĐT Yên Bái, sẽ có 50 lớp với 1.475 học viên. Trong đó, Cấp THCS có 37 lớp, 1.085 học viên; Cấp THPT có 13 lớp, 390 học viên. Thời gian tổ chức tập huấn từ 8 - 21/8/2024.