Nâng cao nhận thức quyền và nghĩa vụ của công dân

Minh Phong | 23/04/2023, 17:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Giáo dục quyền con người cho học sinh có ý nghĩa quan trọng.

Do đó, nội dung quyền con người, quyền trẻ em được tích hợp một cách hiệu quả vào các môn học và hoạt động giáo dục. Qua đó, nhằm thực hiện mục tiêu hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất của chương trình giáo dục phổ thông nói chung, chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học nói riêng.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, nội dung giáo dục quyền con người có thể xây dựng trong Kế hoạch giáo dục nhà trường với nhiều hình thức, chủ động, linh hoạt. Chẳng hạn như tổ chức giờ học riêng theo từng chủ đề hoặc lồng ghép vào các hoạt động văn nghệ, câu lạc bộ sinh hoạt, hội thi… hoặc tích hợp vào các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông.

Việc xây dựng kế hoạch triển khai tùy thuộc vào mục tiêu, nội dung và yêu cầu cần đạt của bài học, mạch kiến thức; việc tích hợp nội dung giáo dục quyền con người, quyền trẻ em được thực hiện theo một trong ba mức độ: Toàn phần, bộ phận, liên hệ.

Đối với bậc trung học, TS Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, việc tích hợp và lồng ghép nội dung giáo dục quyền con người phải hướng tới thực hiện các mục tiêu phẩm chất, năng lực được xác định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung và chương trình môn Giáo dục công dân nói riêng.

Ngoài ra, phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và toàn diện trong việc giáo dục quyền con người khi triển khai hoạt động dạy học, giáo dục. Nghĩa là, các thông điệp, hành động cần được cụ thể hóa. Nội dung về quyền con người cần được truyền tải tới học sinh một cách nhất quán, mang tính nhắc lại hoặc kế thừa lẫn nhau trong tất cả hoạt động của môn học.

“Hiện nay, nội dung về quyền con người được đưa vào chương trình giáo dục của một số môn học như: Đạo đức, Giáo dục công dân và thông qua các bài học thuộc mạch giáo dục pháp luật. Tuy đã đạt được một số kết quả quan trọng nhưng giáo dục quyền con người vẫn cần được tiếp tục tích hợp, lồng ghép vào chương trình giáo dục ở các lớp, bậc học khác nhau”, TS Đỗ Đức Quế bày tỏ.

Nội dung quyền con người được lồng ghép tích hợp vào nhiều môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, cần hệ thống hóa để giáo viên dễ dạy, học sinh dễ học và dễ hiểu hơn. Muốn vậy, cần có tài liệu hướng dẫn để giáo viên có thể lồng ghép nội dung giáo dục về quyền con người vào giảng dạy.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên để các thầy, cô giáo có thể giảng dạy nội dung này. Tiếp đến, bổ sung và hệ thống hóa thành chương trình, để quyền con người được giáo dục đầy đủ. Qua đó, học sinh có kỹ năng bảo vệ quyền của mình và của người khác. Mặt khác, cần có phương pháp thực hiện từ cách thức tổ chức giảng dạy, cơ sở vật chất, xây dựng tài liệu cho đến các điều kiện hỗ trợ khác.

Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bộ GD&ĐT đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người cho học sinh phổ thông. Qua đó, giúp các em nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Từ đó tự bảo vệ quyền của mình và của người khác.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-nhan-thuc-quyen-va-nghia-vu-cua-cong-dan-post634657.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-nhan-thuc-quyen-va-nghia-vu-cua-cong-dan-post634657.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao nhận thức quyền và nghĩa vụ của công dân