Thầy Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) cho rằng một trong những giải pháp tăng cường tiếng Việt tối ưu với học sinh vùng dân tộc thiểu số đó là từ cấp mầm non cần điều chỉnh về nội dung chương trình học tiếng Việt phù hợp hơn để hỗ trợ cho học sinh có được những kỹ năng cơ bản trước khi vào lớp 1. Mặt khác, cần có thời gian chuẩn bị tăng cường tiếng Việt theo chương trình 36 buổi tại mỗi trường Tiểu học có tỷ lệ 100% là học sinh dân tộc thiểu số khi bước vào năm học mới.
Việc kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số cũng cần thiết và không thể xem nhẹ việc nâng cao hiệu quả, giúp học sinh thuận lợi khi bước vào học tập.
Nhiều thầy cô giáo dạy học sinh dân tộc cũng cho rằng trước đây có dự án hỗ trợ trẻ khó khăn vùng cao thì mỗi trường, điểm trường được hỗ trợ kinh phí để trả cho người dân tộc tại địa phương làm việc hỗ trợ giáo viên trong quá trình dạy học. Việc làm đó đã đem lại hiệu quả cao hơn cho các thầy cô giáo trong việc giảng dạy và truyền đạt kiến thức cho học sinh dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, hiện nay không còn dự án đó, sự thay đổi về nội dung chương trình của cấp học Mầm non dẫn tới việc dạy học gặp phải một số khó khăn nhất định. Do đó càng đòi hỏi các trường Mần non, Tiểu học vùng dân tộc thiểu số có sự kết hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số.
Tăng cường văn hóa đọc ở các trường Tiểu học có học sinh dân tộc. Ảnh: Đức Trí |
Về phía các gia đình, bố mẹ khi ở nhà cần tăng cường việc giao tiếp với con bằng tiếng Việt nhiều hơn. Cho trẻ được tham gia học tập tại các lớp mầm non, mẫu giáo ngay khi đến tuổi đi học.
Cần quan tâm đến con em, phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên, nhà trường để có những điều chỉnh, hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ từ khi học Mầm non, mẫu giáo.
Đối với các thầy cô giáo dạy học tại các trường vùng cao đặc biệt khó khăn cần tự học hỏi để có thể nghe, nói tiếng dân tộc nơi mình công tác.
Giải quyết và đáp ứng các nhu cầu tháo gỡ khó khăn đó trong thực trạng hiện nay mới có thể từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường vùng cao nơi có 100% học sinh là con em dân tộc thiểu số.