Nâng 'chất' trường dân tộc nội trú tạo 'bệ phóng' giáo dục miền núi

03/10/2023, 11:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Được ưu tiên trong tuyển chọn học sinh đầu vào nên chất lượng giáo dục trong các trường nội trú từng bước nâng cao.

Minh chứng là nhiều trường có học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, thậm chí trở thành thủ khoa, điểm cao đầu vào trường đại học.

Những điểm sáng cần nhân rộng

Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên thành lập năm 1956. Trải qua 67 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường có sự phát triển vượt bậc, trở thành điểm sáng của giáo dục dân tộc tỉnh Điện Biên.

Với những thành tích xuất sắc đạt được, trường đã khẳng định là “chiếc nôi” đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số chất lượng, “vườn ươm” tài năng trẻ tỉnh Điện Biên. Nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và nhiều Bằng khen, danh hiệu vinh dự khác.

Thầy hiệu trưởng Vũ Trung Hoàn chia sẻ: “Nhiều năm trở lại đây, chất lượng giáo dục từng bước được khẳng định. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của nhà trường luôn đạt 100%. Chất lượng thi học sinh giỏi cấp tỉnh 3 năm gần nhất đứng thứ hai trong hệ thống các trường THPT. Tỷ lệ học sinh đỗ các trường đại học, cao đẳng đạt gần 90%, trong đó, nhiều em đỗ các trường tốp đầu với điểm đầu vào cao. Đó là thước đo chất lượng giáo dục nhà trường”.

Năm học 2022 – 2023, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Các cuộc thi học sinh giỏi môn văn hóa và máy tính cầm tay đạt 231 giải. Trong đó, có 1 giải Nhất, 22 giải Nhì, 59 giải Ba và 149 giải Khuyến khích. Ba sản phẩm tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học đều đạt giải Nhì. 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT. “Tiếp nối những kết quả đã đạt, năm học 2023 – 2024, nhà trường triển khai kế hoạch năm học đến từng cá nhân cụ thể. Phong trào thi đua dạy và học diễn ra sôi nổi từ ngày khai giảng” – thầy Hoàn chia sẻ.

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có 9 trường PTDTNT với 82 lớp và hơn 2.700 học sinh. Những năm qua, hệ thống các trường PTDTNT trở thành địa chỉ tin cậy trong công tác đào tạo, giáo dục học sinh dân tộc thiểu số. Trường PTDTNT tỉnh Lai Châu được ghi nhận là đơn vị đi đầu trong việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.

Thầy hiệu trưởng Vương Văn Tâm trao đổi: “Chất lượng giáo dục của trường từng bước nâng cao. Nhiều học sinh đã đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Đến nay, hơn 70% học sinh tốt nghiệp năm 2023 đăng ký xét tuyển và trúng tuyển vào các trường đại học trên cả nước”.

Năm học 2023 – 2024, Trường PTDTNT tỉnh Lai Châu đón hơn 400 học sinh thuộc nhiều dân tộc khác nhau từ các xã, huyện trong toàn tỉnh về học tập. “Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Cùng đó, lấy chất lượng giáo dục làm thước đo đổi mới”, thầy Vương Văn Tâm nói.

Học sinh Trường PTDTNT tỉnh Lai Châu đạt giải trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật. ảnh 1

Học sinh Trường PTDTNT tỉnh Lai Châu đạt giải trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật.

Đồng bộ giải pháp ...

Nhận thức đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng làm nên chất lượng dạy và học, do đó liên tục nhiều năm qua, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên ưu tiên hàng đầu việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên.

“Chúng tôi xác định đây là khâu “đột phá” để nâng cao chất lượng dạy và học ở một trường nội trú. Nhà trường đã có nhiều giải pháp tích cực trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Hiện, toàn bộ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và hơn 50% trên chuẩn, 9 thầy cô giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú”, thầy Vũ Trung Hoàn cho biết.

Cũng theo thầy Hoàn, để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường tiếp tục thực hiện đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý. Theo đó, phát huy quyền tự chủ trong xây dựng chương trình giáo dục và sử dụng ngân sách; công khai dân chủ, phân cấp quản lý; chi tiết hóa kế hoạch nhiệm vụ đến từng cá nhân theo hướng nâng cao tính tự chịu trách nhiệm cho các bộ phận, đoàn thể. Bên cạnh đó, trường đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh.

Thầy Hoàn cho biết thêm: “Chúng tôi ưu tiên thực hiện dạy học phù hợp với từng học sinh. Tiến hành phân luồng để thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp. Mặt khác, chú trọng công tác giáo dục mũi nhọn, phân công giáo viên có trình độ vững vàng là cốt cán chuyên môn của tỉnh, cụm ôn và phụ trách chính các đội tuyển học sinh giỏi cũng như thi đại học”.

Trải qua hơn 2 năm học tập trong môi trường Trường PTDTNT tỉnh Lai Châu, Điêu Ngọc Hải, học sinh lớp 12A1 cho biết: “Môi trường học tập của nhà trường rất tốt. Thầy cô luôn tạo điều kiện để chúng em có thể vừa học, vừa chơi và phát huy khả năng bản thân”.

Thầy Vương Văn Tâm chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng giáo dục, chúng tôi luôn tạo môi trường lành mạnh cho các em học tập, vui chơi theo sở thích. Nhà trường tổ chức phong phú các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đồng thời, đẩy mạnh dạy học gắn với trải nghiệm theo môn học. Tổ chức chủ đề dạy học gắn với sản xuất kinh doanh của địa phương”.

Ngoài ra, nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn tổ chức bồi dưỡng theo hướng nghiên cứu bài học ở tất cả các môn. Tập trung bồi dưỡng chuyên đề triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Nhà trường đã đổi mới hình thức dạy học chính khoá và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Tổ chức hoạt động trải nghiệm ở trường, nhà, cơ sở sản xuất, kinh doanh và trong cộng đồng. Tăng cường thời gian trên lớp để học sinh báo cáo, thuyết trình, thảo luận, thực hành, bảo vệ kết quả tự học. - Thầy Vương Văn Tâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng 'chất' trường dân tộc nội trú tạo 'bệ phóng' giáo dục miền núi