Năng lực nghề nghiệp của sinh viên có yếu?

Minh Phong | 09/11/2022, 10:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều tân cử nhân, chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, năng lực của sinh viên ngày càng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng.

Nâng cao năng lực của lao động

Thảo luận tại Hội trường – Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, bà Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhìn nhận, tốc độ tăng năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá hiệu suất làm việc của lao động và là yếu tố cơ bản, quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vì thế, bà Nga đề nghị Chính phủ rà soát và xem xét để bổ sung vào mục tiêu tổng quát là: Cải thiện rõ rệt năng suất lao động xã hội. Đi cùng mục tiêu này cần nhấn mạnh các giải pháp như nâng cao chất lượng đào tạo nghề, kỹ năng lao động và nâng cao kỷ luật, kỷ cương lao động. Đồng thời, nâng cao năng lực tư duy của lao động để theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật, gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với việc nâng cao năng suất lao động xã hội.

Cho rằng, cần gắn kết đào tạo với việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình nêu ý kiến: Việc liên kết hiệu quả giữa cơ sở đào tạo, trường dạy nghề với các doanh nghiệp là cần thiết. Qua đó, có thể có đội ngũ lao động chất lượng cao, đúng chuyên ngành.

Để người lao động nói chung chủ động hơn khi tiếp cận các cơ hội việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần triển khai hiệu quả về cơ chế, kinh phí để họ có thể tham gia đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng. Cùng với đó, ở các cấp học phổ thông, việc đưa một số nội dung khoa học cơ bản, khoa học, công nghệ vào chương trình dạy học cũng cần thiết, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam được tăng cường. Tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành, nghề, trình độ đào tạo cũng tăng lên. Lao động Việt Nam tham gia vào công tác quản lý trong các doanh nghiệp FDI tăng nhanh. Chúng ta đã đảm nhận nhiều vị trí, lĩnh vực việc làm phức tạp mà trước đây đều phải do chuyên gia nước ngoài phụ trách nhất là lĩnh vực cơ điện tử, hàn, viễn thông, dầu khí…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung viện dẫn, tại cuộc thi tay nghề thế giới ngày 17/10 vừa qua, Việt Nam đoạt 2 Huy chương Bạc. Cuộc thi diễn ra tại Đức với gần 100 quốc gia tham gia. Đây là thành tích tốt nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu lao động cục bộ, đặc biệt thiếu nhân lực chất lượng cao, dẫn đến năng suất lao động thấp.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lao động phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, dịch chuyển lao động, chuyển đổi nhân lực thấp. Thời gian tới, ngành sẽ đẩy mạnh thực hiện đào tạo kép, với cơ chế doanh nghiệp, Nhà nước và người học cùng tham gia. Theo đó, mỗi doanh nghiệp lớn sẽ là một trường thực hành. Đồng thời, nhất quán chủ trương phân luồng sớm, phân luồng mạnh, nâng cao tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là kỹ năng nghề.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nang-luc-nghe-nghiep-cua-sinh-vien-co-yeu-post614622.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nang-luc-nghe-nghiep-cua-sinh-vien-co-yeu-post614622.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năng lực nghề nghiệp của sinh viên có yếu?