Nền tảng của trường học hạnh phúc

Long Anh | 24/02/2022, 07:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà trường tại Vĩnh Phúc vẫn có nhiều giải pháp để học sinh được hạnh phúc khi đến trường.

Hội thảo có chủ đề Hội thảo có chủ đề "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc" được tổ chức tại Trường THPT Bến Tre

Từ giờ học hạnh phúc…

Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc là trường dẫn đầu toàn tỉnh và nằm trong tốp 10 trường đứng đầu cả nước về chất lượng đào tạo, môi trường học tập thân thiện, tiên tiến và hiện đại. Tại đây, khái niệm về “Trường học hạnh phúc” không phải là mới mà đã được nhà trường xây dựng từ nhiều năm nay. Ở đây, thầy cô và học sinh được thể hiện suy nghĩ về ngôi trường đang học, đang làm việc, được tham gia các chương trình, hoạt động nhiều ý nghĩa.

Thầy giáo Hoàng Mạnh Du – Hiệu trưởng nhà trường cởi mở: Là một ngôi trường đặc thù, với nhiệm vụ chính là phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, vì thế nhắc đến trường Chuyên, nhiều phụ huynh và học sinh sẽ nghĩ đến những áp lực mà các em phải trải qua trong suốt quá trình học tập, rèn luyện. Để xóa tan định kiến đó và để thực hiện mục tiêu xây dựng Chuyên Vĩnh Phúc thành “ngôi trường hạnh phúc”, Ban giám hiệu cùng tập thể giáo viên, nhân viên nhà trường đã đồng lòng bắt tay thực hiện rất nhiều giải pháp. Các giải pháp này được thể hiện qua đề án phát triển nhà trường, qua mục tiêu, kế hoạch của các đoàn thể, của tổ chuyên môn và mỗi giáo viên.

Thầy và trò Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc hạnh phúc khi tham gia hoạt động ngoại khóa

“Chúng tôi mong muốn các em học sinh khi bước chân vào trường sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời nhất, các em vẫn có được thành tích cao mà không thấy bị quá áp lực bởi việc học hành. Để làm được điều đó, chúng tôi xác định ngoài nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức để các em có được thành tích cao trong học tập còn phải làm sao để các em thấy được trường học, lớp học của mình trở thành một nơi đầy những điều thú vị, đầy tình cảm ấm áp”, thầy Du chia sẻ.

Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc xây dựng “trường học hạnh phúc” trên ba nền tảng chính đó là Không gian vật chất - Không gian văn hóa - Giờ học hạnh phúc.

Trường học hạnh phúc phải bắt đầu từ không gian xanh, sạch, đẹp. Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc được tỉnh đầu tư xây mới trên diện tích rộng…. với kiến trúc đẹp, cơ sở vật chất khang trang. Đây chính là điều kiện thuận lợi để nhà trường kiến tạo một không gian hạnh phúc. Từ đó, nhà trường xây dựng không gian văn hóa hóa: Kết nối, yêu thương, tôn trọng, an toàn.

Đặc biệt, các giờ học ở Chuyên Vĩnh Phúc đều được thực hiện theo phương pháp đổi mới với học sinh làm trung tâm trong quá trình dạy và học. Vì vậy việc học, việc dạy không diễn ra căng thẳng. Giáo viên học sinh thoải mái tương tác trên cơ sở đó giúp học sinh chiếm lĩnh kiến thức. Học sinh trong một lớp không bị đánh đồng trong việc tiếp cận kiến thức mới và khó khiến các em căng thẳng mà thường được chia thành từng nhóm đối tượng để thực hiện các nhiệm vụ học tập khác nhau.

Không gian xanh, sạch, đẹp tại Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc

Việc xây dựng, kiến tạo mô hình “Trường học hạnh phúc” tại Vĩnh Phúc được các đơn vị giáo dục triển khai linh hoạt, phù hợp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến ngành giáo dục.

Tại trường THPT Bến Tre (TP. Phúc Yên), một trong những tiêu chí xây dựng “Trường học hạnh phúc” đó là những tiết học an toàn cả về thể chất và tinh thần cho học sinh và giáo viên.

Cô giáo Nguyễn Thị Loan - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19 đang hoành hành gây trở ngại rất lớn cho quá trình dạy và học, trường THPT Bến Tre đã nỗ lực rất nhiều để đảm bảo sức khỏe cho giáo viên và học sinh. Bên cạnh việc chủ động kết hợp linh hoạt các hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến, nhà trường luôn làm tốt công tác vệ sinh trường lớp, trong đó, đặc biệt chú ý việc lên phương án xử lý, tập huấn giáo viên.

Cô Loan cho biết thêm: "Chúng tôi đã tập huấn giáo viên, hướng dẫn thầy cô cách giữ bình tĩnh và xử lý đúng quy trình nếu phát hiện các ca mắc và nghi mắc Covid-19. Khi đó phải lập tức yêu cầu F0 không di chuyển, không tiếp xúc, có thể phải tạm thời phong tỏa toàn trường, thông báo với ban chỉ đạo phòng chống dịch của quận, y tế quận để đưa F0 đi cách ly, truy vết, khoanh vùng hạn chế đối đa nguy cơ lây lan".

Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp các em chưa thể đi học do đang cách ly, với tinh thần không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, nhà trường đã lên phương án để dạy trực tuyến cho nhóm học sinh này. Theo đó, các lớp sẽ xây dựng các tổ nhóm học tập, học sinh đi học trực tiếp sẽ cùng hỗ trợ những bạn chưa thể đến trường, giáo viên kết nối zalo với học sinh để hướng dẫn, giảng bài.

Trường THPT Bến Tre phối hợp với ngành Y tế đảm bảo công tác phòng dịch tại nhà trường

Trong bối cảnh dịch bệnh, không thể tụ tập đông người, rất nhiều hoạt động ngoại khóa của nhà trường phải tạm gác lại, đây là thiệt thòi lớn của các em. Thấu hiểu nhu cầu được giao tiếp, được thể hiện bản thân của học sinh, nhà trường đã phối hợp Đoàn thanh niên tổ chức các cuộc thi làm Clip ngắn với các chủ đề ý nghĩa như “Thầy cô trong mắt em”, “ An toàn giao thông”, “Giáo dục giới tính”... được các em nhiệt tình hưởng ứng, điều đó phần nào cũng giúp các em giải tỏa áp lực và hào hứng hơn khi đến trường.

Đến các mối quan hệ hạnh phúc

Sau khi tham gia Chương trình truyền hình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, phát sóng trên VTV7, Đài truyền hình Việt Nam, cô Lê Thị Thanh Nga, giáo viên môn Lịch sử nhận ra khi giáo viên hạnh phúc, học sinh hạnh phúc thì trường học trở thành trường học hạnh phúc.

“Làm sao để hạnh phúc? Phải thay đổi, thay đổi theo hướng tích cực. Thay đổi trong cách dạy, cách học và đến các mối quan hệ trong lớp và nhà trường. Đối với cá nhân tôi dạy môn Sử, đây là một môn được nhiều người đánh giá “khó đổi mới” tuy nhiên tôi đã thay đổi cách tiếp cận với học sinh của mình. Thay vì tạo áp lực cho học sinh, tôi chủ động gợi mở, tạo hứng thú cho các em. Nhờ đó, tạo sự tự tin, gây hưng phấn, cảm giác được tôn trọng cho học sinh, và từ đó, mỗi khi muốn hỏi cô giáo thì các em không còn ngượng ngùng, dè dặt”, cô Lê Thị Thanh Nga tâm sự.

Lãnh đạo Trường THPT Bến Tre trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán

Ở trường THPT Bến Tre việc Ban Giám hiệu, Công đoàn nhà trường thăm hỏi, động viên cán bộ giáo viên, nhân viên khi có việc hiếu, việc hỷ đã là truyền thống, tình cảm chân thành và động viên đúng lúc đã góp phần tạo nên một tập thể đoàn kết vững mạnh đồng thời đem lại nguồn năng lượng tích cực cho giáo viên mỗi khi lên lớp.

Bên cạnh đó, nhà trường luôn khuyến khích giáo viên tìm hiểu cuộc sống, gia cảnh của cha mẹ học sinh, học sinh mỗi khi nhận lớp chủ nhiệm, việc thấu hiểu và cảm hóa học sinh phải bắt đầu từ những nhận thức cơ bản về điều kiện sống quá trình hình thành tâm, sinh lý của các em. Ngoài việc phát phiếu lấy thông tin đầu năm học, nhiều giáo viên chủ nhiệm đã tận tụy đến thăm gia đình học sinh, gặp gỡ phụ huynh từ đó kéo gần khoảng cách với học sinh khiến các em cảm thấy được quan tâm, được thấu hiểu.

Đánh giá về hiệu quả từ công tác xây dựng ngôi trường hạnh phúc, cô giáo Nguyễn Thị Loan - Phó Hiệu trưởng THPT Bến Tre khẳng định: Hạnh phúc không phải là đích đến mà là cả hành trình mà trên hành trình đó không thể thiếu sự đòan kết, thấu hiểu và sẻ chia. Trong quá trình thực hiện cuộc vận động xây dựng “Trường học hạnh phúc”, trường THPT Bến Tre có thể chưa phải là trường làm tốt nhất nhưng chúng tôi luôn nỗ lực để làm tốt hơn mỗi ngày để mỗi giáo viên, mỗi học sinh sẽ cảm nhận được sự ấm áp và niềm tự hào được là thành viên của ngôi trường 60 năm tuổi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nền tảng của trường học hạnh phúc