Để hạn chế người lao động rút BHXH một lần, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng giải pháp giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu là phù hợp. Đề xuất này đã được đưa vào dự thảo sửa đổi Luật BHXH. Việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm để khuyến khích và tạo cơ hội cho người ở độ tuổi trung niên, nam 45 và nữ 40 vẫn có thể tham gia BHXH.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho rằng đóng BHXH 20 năm là quá dài. Ảnh minh hoạ
Trước đó, tại tờ trình Chính phủ dự án luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm BHXH và hướng tới còn 10 năm. Mức hưởng lương hưu trong trường hợp này cũng sẽ được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, người có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Bộ LĐ-TB& XH nhận định việc này nhằm tạo cơ hội cho người tham gia BHXH muộn hoặc tham gia không liên tục có thời gian đóng ngắn được hưởng lương hưu. Cụ thể, người lao động đóng BHXH từ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu khi có đủ điều kiện: nam đủ 61 tuổi 3 tháng, nữ 56 tuổi 8 tháng, tương ứng với tuổi nghỉ hưu. Mỗi năm sau đó, tuổi hưởng lương hưu tăng thêm 3 tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và thêm 4 tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Hiện nay, theo quy định Luật BHXH 2014, thời gian đóng BHXH tối thiểu để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí của hầu hết các trường hợp đều là đủ 20 năm. Thời gian này được đánh giá còn khá dài dẫn tới nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.
Ngành BHXH Việt Nam đang thực hiện chi trả cho khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu. Trong tổng số người hưởng này, phần lớn có mức hưởng từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng với gần 1,9 triệu người (chiếm 68,3% tổng số người hưởng lương hưu trên cả nước).