Các binh sỹ Ukraine đang chiến đấu trên tiền tuyến cho biết, Nga đang thực hiện cả những hoạt động phức tạp như dụ phương tiện của Ukraine vào các bẫy mìn chống tăng để phá hủy phương tiện. Các phương tiện rà phá bom mìn chỉ có khả năng chịu được lực nổ của một hoặc hai quả mìn. Nếu quá nhiều mìn phát nổ cùng lúc, chúng có thể bị phá hủy.
Theo chuyên gia Kofman, Nga đang tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 số lượng mìn tại một khu vực nhất định, nhằm “đặt các mục tiêu có giá trị cao” của Ukraine vào tình huống nguy hiểm, đe dọa khả năng sống sót của chúng.
Địa lôi
Khi nói đến địa lôi hay mìn chống bộ binh cài dưới mặt đất, các binh sỹ Ukraine cho biết, đây là vũ khí đáng lo ngại nhất trong quá trình phản công.
Ryan Hendrickson – cựu binh sỹ thuộc lực lượng đặc nhiệm Mỹ - hiện đang làm tình nguyện viên gỡ mìn ở Ukraine nói rằng, họ đã phải rà phá những bãi mìn cực kỳ phức tạp, được coi là “bẫy chết chóc”. Trong đó, mình chống tăng được bảo vệ bao bằng mìn chống bộ binh hoặc các loại chất nổ khác. Mục đích của việc sắp xếp như vậy là gây thương tích cho các lực lượng đối phương trong quá trình vô hiệu hóa bom mìn.
Địa lôi của Nga, ngoài việc gây sát thương binh sỹ đối phương, còn giúp Nga cản bước của các đơn vị tiến công Ukraine, khiến họ dễ bị tấn công bằng các cuộc không kích, tên lửa và đạn pháo.
Theo chuyên gia Kofman, để cản đường Ukraine, ngoài việc sử dụng địa lôi, Nga còn điều động các lực lượng chính quy, đơn vị súng trường cơ giới, đơn vị đặc nhiệm. “Họ có rất nhiều pháo binh. Ngoài ra, các công sự phòng thủ của Nga còn có những bãi mìn dày đặc, mìn chống tăng và mìn chống bộ binh xếp chồng lên nhau”.
Theo ông Kofman, Nga đã triển khai rất nhiều vũ khí chống tăng trên các tuyến phòng thủ và tăng cường sử dụng máy bay không người lái, đặc biệt là máy bay không người lái cảm tử Lancet hay Shahed-136. Ngoài ra, Moscow cũng điều động trực thăng để đối phó với cuộc phản công của Ukraine.
Theo chuyên gia này, sẽ rất khó để Ukraine phản công nhanh và hiệu quả khi phải vượt qua hệ thống phòng tuyến kiên cố như vậy. Thách thức chính đối với Ukraine là thiếu các loại vũ khí cần thiết để xuyên phá phòng tuyến Nga cũng như thiếu khả năng kết hợp các loại vũ khí trên quy mô lớn.
Franz-Stefan Gady, một chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho rằng “nếu hệ thống phòng tuyến của Nga không bị sụp đổ bất ngờ do một nguyên nhân nào đó, thì đây sẽ vẫn là cuộc chiến tiêu hao và đẫm máu với các đơn vị dự bị của Ukraine”.
Cùng chung quan điểm này, ông Kofman lưu ý: “Cuộc phản công có thể diễn ra trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Ở giai đoạn này, giao tranh sẽ diễn ra ác liệt. Để giành lợi thế, Ukraine sẽ phải tiêu tốn nhiều đạn pháo và tìm cách thích nghi. Rất khó để công phá một tuyến phòng thủ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng”.