Nga cáo buộc Ukraine “mở mặt trận thứ hai” ở châu Phi trong khi Kiev công khai ủng hộ lực lượng “khủng bố” ở Mali.
Phiến quân Tuareg ở Mali chụp ảnh với lá cờ Ukraine (ảnh: Kyiv Post)
Tuyên bố từ phía Moscow được đưa ra sau thông báo hôm 6/8 của chính quyền quân sự Niger rằng họ sẽ cắt đứt quan hệ với Ukraine.
Quyết định này có hiệu lực “ngay lập tức”, chính quyền quân sự Niger thông báo.
Trước đó, hôm 4/8, chính quyền quân sự Mali (giáp Niger) cũng đưa ra thông báo tương tự.
Mali cáo buộc Ukraine có liên quan đến một cuộc phục kích do phiến quân Tuareg thực hiện hôm 25/7, khiến một nhóm lính đánh thuê Wagner (Nga) và quân đội Mali tổn thất lớn.
Andriy Yusov – người phát ngôn Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine – hôm 30/7 cho hay, phiến quân Tuareg đã nhận được “thông tin cần thiết” để tiến hành cuộc phục kích nhằm vào Wagner và quân đội Mali.
Ông Yusov không cho biết có quân nhân Ukraine nào hiện diện ở Mali hay tham gia cuộc phục kích hay không.
“Chúng tôi chưa thể cung cấp thêm thông tin vào thời điểm hiện tại”, ông Yusov nói.
Trên mạng xã hội cũng xuất hiện hình ảnh phiến quân Tuareg cầm quốc kỳ Ukraine.
“Chính phủ Cộng hòa Niger vô cùng kinh ngạc và phẫn nộ trước những phát biểu mang tính lật đổ và không thể chấp nhận được của ông Andriy Yusov”, Amadou Abdramane, người phát ngôn chính quyền quân sự Niger, nói.
Theo ông Abdramane, Niger sẽ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở cuộc họp về “hành động xâm lược” của Ukraine.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn của RIA Novosti (đăng tải hôm 7/8), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga – bà Maria Zakharova – cho rằng, Ukraine đang tìm cách “mở mặt trận thứ hai” ở châu Phi.
“Không thể đánh bại Nga trên chiến trường, chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky đang mở mặt trận thứ hai ở châu Phi”, bà Zakharova nói.
Theo bà Zakharova, Ukraine đang “hậu thuẫn các nhóm khủng bố” ở những quốc gia có quan hệ thân thiện với Nga.
Ngoài Mali và Niger, chính quyền Senegal (quốc gia vùng Tây Phi) cũng phản đối động thái “thân mật” giữa Ukraine với phiến quân Tuareg.
Hôm 2/8, Bộ Ngoại giao Senegal đã triệu Đại sứ Ukraine Yurii Pyvovarov vì một đoạn video mà ông này đăng lên trang Facebook của Đại sứ quán. Trong đó, ông Pyvovarov bị cho là thể hiện sự “ủng hộ rõ ràng và vô điều kiện” đối với hành động “tấn công khủng bố” ngày 25/7 của phiến quân Tuareg.
Một số nước vùng Tây Phi khác như Guinea, Guinea Bissau, Bờ Biển Ngà và Liberia cũng được cho là không hài lòng với Ukraine.
Về phía Ukraine, nước này bày tỏ "thất vọng" khi Mali cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Trong thông điệp hôm 5/8, Bộ Ngoại giao Ukraine yêu cầu Mali đưa ra bằng chứng cụ thể về mối quan hệ giữa Kiev với phiến quân Tuareg.
Bộ Ngoại giao Ukraine mô tả động thái cắt đứt quan hệ là "vội vàng" và "đáng tiếc" vì quyết định này được đưa ra "mà không nghiên cứu kỹ lưỡng về sự việc và hoàn cảnh của vụ việc xảy ra ở miền bắc Mali và chính phủ Mali cũng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về sự liên quan của Ukraine".
Bộ Ngoại giao Ukraine cũng bác bỏ cáo buộc Kiev hỗ trợ khủng bố.