Kiev chịu thiệt hại khi phát động cuộc phản công vào đầu tháng 6. Theo Nga, chiến dịch của Ukraine không đạt được bất kỳ thắng lợi lớn nào.
Nga đã nhiều lần kêu gọi phương Tây ngừng "bơm" các loại vũ khí cho Ukraine, cảnh báo rằng điều này chỉ làm kéo dài tình trạng đối đầu hơn là thay đổi kết quả.
Các quan chức cấp cao ở Moscow cũng nhấn mạnh việc cung cấp vũ khí ngày càng tối tân cho Kiev sẽ làm tăng nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.
Trong diễn biến liên quan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Kiev có khả năng nhận được máy bay chiến đấu F-16 từ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Trong khi đó, nhiều quốc gia NATO đã đề nghị đào tạo phi công Ukraine, dù vậy cho đến nay chưa có quốc gia nào cam kết gửi máy bay.
Ông Sullivan nói thêm: "Quy trình đào tạo sẽ mất một khoảng thời gian, sau đó là giai đoạn chuyển giao F-16, có thể là từ các quốc gia châu Âu có nguồn cung F-16 dư thừa".
Hôm 11-7, Đan Mạch đã công bố "liên minh" sẽ đảm nhận việc đào tạo phi công Ukraine điều khiển máy bay do Mỹ sản xuất, bắt đầu từ tháng 8. "Liên minh" này được dẫn đầu bởi Đan Mạch và Hà Lan, ngoài ra còn có Bỉ, Canada, Luxembourg, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Anh và Thụy Điển.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba cho biết khóa huấn luyện sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 8, có thể là đầu tháng 9. Ông nói lý tưởng nhất là những chiếc F-16 đầu tiên do phi công Ukraine điều khiển sẽ được cất cánh "vào cuối quý đầu tiên của năm sau".