Truyền thông nhà nước Nga đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ký Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện sau cuộc hội đàm ở Bình Nhưỡng ngày 19/6.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp ngày 19/6. (Ảnh: Reuters)
Trước đó, nhà lãnh đạo Nga cho biết hai nước đã chuẩn bị một tài liệu để "tạo nên nền tảng" cho mối quan hệ song phương trong nhiều năm tới, nhưng không cho biết cụ thể.
Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin: “Nga và Triều Tiên đã ký Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện”.
Ông Yury Ushakov, Trợ lý Điện Kremlin, cho biết hai nhà lãnh đạo đã tặng quà cho nhau nhân cuộc gặp lần này. Tổng thống Putin tặng nhà lãnh đạo Triều Tiên bộ trà và một chiếc xe hơi Aurus sang trọng do Nga sản xuất.
Ông Ushakov không cho biết Tổng thống Putin được tặng gì, nhưng hàm ý nói rằng món quà liên quan đến hình ảnh của nhà lãnh đạo Nga.
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ký Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 19/6. (Nguồn: Viory)
Tổng thống Putin cho biết, hiệp ước Đối tác chiến lược vừa ký bao gồm điều khoản phòng thủ chung, theo đó hai bên hỗ trợ nhau khi phải đối phó với hành động tấn công từ bên ngoài.
“Thỏa thuận hợp tác toàn diện được ký ngày hôm nay tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có hành vi gây hấn chống lại một trong các bên trong thỏa thuận này”, ông Putin phát biểu.
Trước đó, Điện Kremlin cho biết hiệp ước được ký trong chuyến thăm lần này sẽ thay thế các văn bản song phương được ký vào các năm 1961, 2000 và 2001.
Trước khi đón Tổng thống Putin, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết mối quan hệ Triều Tiên - Liên bang Nga đã đạt đến tầm cao mới, và chuyến thăm của ông Putin sẽ củng cố "tình hữu nghị nồng ấm" giữa hai nước.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA mô tả cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo là một sự kiện lịch sử, thể hiện tính chất “bền vững và bất khả chiến bại” của tình hữu nghị và đoàn kết giữa Triều Tiên và Nga. Bài viết khẳng định quan hệ giữa hai nước "đã trở thành một pháo đài chiến lược mạnh mẽ để bảo vệ công lý, hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời là động lực thúc đẩy xây dựng một thế giới đa cực mới".