Nguy cơ NATO bị cuốn vào cuộc xung đột
Trong nhiều thế kỷ qua, Nga đã nỗ lực khai thác lợi thế về kinh tế và địa chính trị trên Biển Đen. Các cảng nằm dọc theo vùng biển ấm đã giúp Nga có lợi thế để mở rộng tầm ảnh hưởng ở châu Âu, Trung Đông và nhiều khu vực khác. Moscow không chỉ đầu tư kinh phí để phát triển các cảng biển mà còn củng cố sức mạnh quân sự tại các căn cứ hải quân trong khu vực dành cho các hạm đội phía Nam.
Còn với NATO, vùng biển này đóng vai trò quan trọng không kém. Ba quốc gia thành viên của khối là Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Bulgaria đều tiếp giáp với Biển Đen. Ngoài ra, 5 nước đối tác của NATO là Armenia, Azerbaijan, Georgia, Moldova và Ukraine cũng nằm trong khu vực.
Sau khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, Nga đã giành quyền kiểm soát 3 cảng lớn của Ukraine và nhanh chóng vô hiệu hóa lực lượng hải quân đối phương. Mặc dù cả Moscow và NATO luôn muốn tránh một cuộc đối đầu trực tiếp trên Biển Đen, nhưng nguy cơ xảy ra các sự cố vượt ngoài tầm kiểm soát đã gia tăng khi thời gian gần đây NATO và các quốc gia thành viên đã tăng cường hoạt động giám sát trên không trong lãnh thổ NATO, lãnh hải và các vùng biển quốc tế trên Biển Đen. Kế đến là việc Ukraine liên tục kêu gọi đối tác phương Tây cung cấp lực lượng hải quân hộ tống cho các tàu chở ngũ cốc xuất phát từ các cảng của nước này.
Lo ngại nguy cơ đụng độ giữa Nga và NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố găng ngăn cản các đồng minh trong khối gây leo thang căng thẳng với Nga ở Biển Đen. Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang kiểm soát cả eo biển Bosporus và Dardanelles theo công ước Montreux năm 1936 đã cấm tàu chiến của Nga và Ukraine đi qua các eo biển này. Ngoài ra, nước này cũng yêu cầu các đồng minh không điều tàu chiến tới đây. Ngoài ra, nước này cũng nỗ lực thuyết phục Nga quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc ngay cả khi có rất ít triển vọng khôi phục lại thỏa thuận.
Mối đe dọa từ phương tiện không người lái
Trong nhiều tháng qua, Ukraine không ngừng gia tăng các mối đe dọa nhằm thách thức lực lượng hải quân vốn chiếm ưu thế áp đảo của Nga. Kiev được cho là bắt đầu sử dụng phương tiện không người lái trên biển để tấn công hạm đội hải quân của Nga vào tháng 10/2022.
Phát biểu với báo chí, Đô đốc Oleksiy Neizhpapa, chỉ huy lực lượng Hải quân Ukraine cho biết: “Tầm nhìn của chúng tôi dựa trên nhu cầu thay thế nguyên tắc số lượng và sức mạnh của Liên Xô bằng nguyên tắc chất lượng và khả năng cần thiết của phương Tây”.
P.W. Singer, một chuyên gia về chiến tranh thế kỷ 21 tại tổ chức tư vấn New America ở Washington, cho rằng Ukraine đang được hưởng lợi từ việc cải tiến công nghệ không người lái trên biển. Theo chuyên gia này, trong vòng chưa đầy một năm, những chiếc xuồng không người lái đã được nâng cấp đáng kể về tính năng và kích thước, có tốc độ nhanh hơn, khả năng tàng hình ưu việt và có thể mang theo nhiều chất nổ hơn.
Các nhà sản xuất phương tiện bay không người lái cho biết, chúng được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ giám sát, trinh sát đến chiến đấu. Một số phương tiện có thể di chuyển với tốc độ khoảng 77km/giờ; và có tầm hoạt động lên đến 450 hải lý. Ở phạm vi đó, một chiếc xuồng không người lái được vận hành từ cảng Odessa của Ukraine ở Biển Đen có thể tới cảng Novorossiysk của Nga.
Ukraine từng tuyên bố sẽ mở rộng cuộc tấn công sang các cảng của Nga để gây thiệt hại kinh tế cho Moscow. Ông Mykhailo Podolyak - Cố vấn của Tổng thống Ukraine cảnh báo “chừng nào Điện Kremlin còn từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế thì chừng đó họ sẽ chứng kiếm sự suy giảm mạnh về tiềm năng thương mại”.
Nhưng một số nhà quan sát cho rằng kế hoạch của Ukraine có thể sớm bị cản trở do mối lo ngại từ Washington. Mỹ đã dẫn đầu các nỗ lực trừng phạt Nga nhằm gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế nước này, nhưng vẫn để ngỏ một “khe cửa hẹp” để Moscow tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ nhằm tránh gây hỗn loạn trên thị trường năng lượng. Hiện giờ, Nhà Trắng đang lo ngại trước viễn cảnh giá xăng dầu trong nước tăng khi cuộc bầu cử tổng thống đến gần. Do vậy, Ukraine sẽ phải tìm ra một chiến lược phù hợp để cân bằng mục tiêu của nước này với việc duy trì sự ủng hộ của các đối tác.