Giáo dục liêm chính

Ngậm trái đắng với giấc mơ làm việc ở trời Tây: Đủ chiêu thức 'dụ' khách hàng

Theo Nhóm PV 30/09/2024 10:13

Hàng chục lao động đã không thể biến ước mơ xuất ngoại thành sự thật, dù họ đã phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đào tạo tiếng Anh, đào tạo nghề…với mong muốn được sống và làm việc ở trời Tây.

Đóng tiền để… bay ngay

Do có nhu cầu xuất khẩu lao động , cuối tháng 6/2023, anh P. M. H trú tại TP. Hà Nội tìm hiểu về Công ty giáo dục DSS (DSS Úc) có địa chỉ đăng ký ở 97/120 Saunders Street Pyrmont NSW 2009- Australia do bà Daisy Nguyễn làm giám đốc. Theo thông tin quảng cáo, DSS Úc có Văn phòng tại TPHCM là Công ty TNHH du học định cư DSS (DSS Việt Nam) đóng tại số 3 Công Trường Quốc Tế, Quận 3, do bà Nguyễn Lê Vân làm giám đốc.

Doanh nghiệp này tỏ ra khá bài bản khi quảng cáo, giới thiệu về lĩnh vực hoạt động của mình. DSS Úc và DSS Việt Nam còn đăng tin trên mạng xã hội facebook “Tuyển lao động đi làm nông nghiệp tại Úc và Canada”. Thấy tin tưởng, anh H đã liên hệ tìm hiểu thông tin.

Ngậm trái đắng với giấc mơ làm việc ở trời Tây: Đủ chiêu thức 'dụ' khách hàng- Ảnh 1.
Hình ảnh quảng cáo tràn lan của DSS trên mạng xã hội. Ảnh: PV

“Nhân viên của DSS Việt Nam tại thời điểm đó là bà Đặng Lan Anh, giới thiệu hiện đang có chương trình tuyển người đi theo diện làm nông nghiệp gấp, bay ngay trong tháng 9/2023, phí giữ chỗ là 1.000USD, tương đương với 24,5 triệu đồng. Họ nói họ sẽ đào tạo nghề và tiếng Anh cho tôi để phỏng vấn trực tiếp với chủ doanh nghiệp bên Canada”, anh H kể. Ngày 30/6/2023, anh H đóng 24,5 triệu cho DSS Việt Nam theo phiếu thu số PT2306019A dưới dạng tiền giữ chỗ.

Theo anh H thì, một tuần sau khi đóng khoản tiền giữ chỗ nói trên, ngày 7/7/2023, anh được DSS Việt Nam thông báo có lịch phỏng vấn với chủ trang trại nông nghiệp đến từ Canada.

Cùng lúc, DSS Việt Nam cũng kịp yêu cầu anh H đóng tiếp 4.000 USD để sớm thực hiện hồ sơ và ký hợp đồng. “Rất nhanh chóng, ngày 10/7/2023 phía DSS Úc tiến hành ký hợp đồng dịch vụ visa với tôi. Lúc bấy giờ, tôi không hề nghi ngờ, cũng không phân biệt được DSS Úc và DSS Việt Nam là hai công ty khác nhau bởi một pháp nhân thành lập theo pháp luật của Úc và một pháp nhân được thành lập theo pháp luật của Việt Nam.

Lúc đó, tôi chỉ biết chữ ký của bà Daisy Nguyễn- giám đốc DSS Úc và bà Nguyễn Lê Vân, giám đốc DSS Việt Nam rất giống nhau”- anh H nói với Tiền Phong.

Ngậm trái đắng với giấc mơ làm việc ở trời Tây: Đủ chiêu thức 'dụ' khách hàng- Ảnh 2.
Tài liệu liên quan đến hoạt động của DSS trong đó có phiếu thu tiền của khách hàng. Ảnh: PV

Tuy nhiên, sau khi được chủ trang trại phỏng vấn và ký hợp đồng dịch vụ visa xong, khách hàng nhận lại là sự im lặng.“Chúng tôi liên hệ thì được DSS Việt Nam giải thích: “Bây giờ đang là mùa đông, bên Canada đều không có việc”. Vì vậy, phía công ty đã tư vấn cho chúng tôi qua một đơn hàng của nước khác. Không đồng ý cách giải quyết từ phía công ty DSS Việt Nam, chúng tôi yêu cầu thanh lý hợp đồng thì không được giải quyết”, đơn của anh H và một số người lao động cùng tình cảnh như anh H trình bày.

Ở “đơn hàng tuyển lao động đi làm farm ở Úc ” ông T. M trú tại TPHCM cho biết, cùng đợt với ông có khoảng 21 người. Với nhóm lao động này, DSS Úc cho biết họ hợp tác với công ty Australian Lamb Company bên Úc. Sau khi ký hợp đồng, ông M được đào tạo tiếng Anh trực tiếp tại số 3 Công Trường Quốc Tế, Quận 3, TPHCM khoảng 1 tháng trước khi phỏng vấn, và được học nghề rất nhiều chỗ. Trong đó có địa chỉ tại số 45 Nguyễn Thái Học, Quận 1, TP.HCM.

“Chúng tôi được DSS Việt Nam thông báo tham gia khoá đào tạo nghề khoảng 1 tháng rưỡi, nhưng thực tế chúng tôi chỉ được đào tạo 5 ngày. Quá trình đào tạo nghề diễn ra nhiều nơi, có khi tại lò mổ heo ở Phước An, Quận 12, TPHCM, cũng có hôm chúng tôi được đưa lên lò mổ heo tại Củ Chi học 1 đến 2 ngày. Tại số 45 Nguyễn Thái Học, chúng tôi được công ty cho học thái cà rốt… Đến ngày cuối cùng, công ty mua một con dê về cho thực hành”- ông M kể lại.

Người lao động cũng cho biết, khi mới chỉ tham gia học tiếng Anh và học nghề khoảng 15 ngày, DSS Việt Nam đã thu tiền đợt 2 của người lao động là 10.000 USD trong khi chưa có thư mời làm việc của đối tác bên Úc như lời nhân viên đã tư vấn. Trước đó, người lao động đã đóng tiền đợt 1 giữ chỗ và tiền học tiếng Anh là 4.000 USD.

“Khi tư vấn cho chúng tôi, nhân viên công ty nói rằng họ ký Hợp đồng trực tiếp để bảo lãnh người lao động qua làm việc bên Úc với doanh nghiệp sở tại. Sau này, chúng tôi tìm hiểu và được biết không có một hợp đồng nào giữa DSS Úc với chủ trang trại bên đó mà thông qua một công ty dịch vụ tên là Vconnect.

Đại diện tham gia phỏng vấn và chấm điểm tay nghề tuyển dụng chúng tôi tại TPHCM được DSS Việt Nam giới thiệu là chủ doanh nghiệp Úc. Thế nhưng sau buổi tuyển dụng, chủ doanh nghiệp Úc này đã “bặt vô âm tín””, một lao động nói trong bức xúc.

Ngậm trái đắng với giấc mơ làm việc ở trời Tây: Đủ chiêu thức 'dụ' khách hàng- Ảnh 3.
Hành trình đi đòi lại tiền cho chồng của chị Ph gặp không ít gian nan. Ảnh: PV

Chết rồi nợ vẫn còn mang nợ

Khi còn sống, anh Nguyễn H. L, 35 tuổi ngụ ở quận 1, TPHCM khát khao được sang Úc làm việc theo diện xin Visa 482 ( visa tạm trú dành cho lao động có tay nghề sang làm việc tại Úc-PV). Thông qua quảng cáo trên mạng xã hội, vợ chồng anh L biết được Công ty DSS Úc có địa chỉ đăng ký ở 97/120 Saunders Street Pyrmont NSW 2009- Australia do bà Daisy Nguyễn làm giám đốc và Văn phòng tại TPHCM là Công ty DSS Việt Nam đóng tại số 3 Công Trường Quốc Tế, Quận 3, do bà Nguyễn Lê Vân làm giám đốc.

Sau khi được giới thiệu có chức năng tư vấn du học, định cư và đưa người đi lao động nước ngoài nên ngày 2/11/2022, anh L với vợ là chị Trần Thị H.Ph vay mượn tiền của người thân đến ký kết hợp đồng dịch vụ Visa số 02.11/2022/DSS/NHL với DSS Úc. Theo chị Ph mục đích là sử dụng dịch vụ của DSS Úc để xin Visa 482 theo diện lao động có tay nghề tại nước này. Tổng chi phí cho việc hoàn thành các thủ tục để được qua Úc lao động mà phía công ty đưa ra là 35.000 USD, tương đương hơn 870 triệu đồng.

“Hằng tháng tôi vẫn phải đi làm còng lưng để trả nợ gốc và lãi mà hai vợ chồng trước đó vay mượn ”, chị Ph ngậm ngùi

Sau khi ký kết hợp đồng, vợ chồng anh L đã thanh toán 25.000 USD tương đương với số tiền 635 triệu đồng. Anh L được chia đóng cho 3 giai đoạn kèm theo phí người phụ thuộc đi kèm là vợ anh L Trong hai ngày 23/11/2022 và 21/12/ 2022, anh L đã chuyển vào tài khoản được DSS Úc chỉ định cho Công ty DSS Việt Nam 125 triệu đồng.

“Họ nói với tôi là Công ty DSS Việt Nam sẽ thu hộ tiền cho DSS Úc”- chị H. Ph, vợ anh L. nói. Ngày 13/6/2023, anh L. tiếp tục thanh toán 20.000 USD tiền mặt trực tiếp tại trụ sở DSS Việt Nam. Tất cả các lần chuyển tiền đều có phiếu thu đầy đủ của DSS Việt Nam. Thế nhưng, chuyện không may xảy ra khi vào ngày 6/8/2023 anh L đột ngột qua đời nên không thể nào tiếp tục thực hiện hợp đồng xin cấp visa.

Trước sự cố bất khả kháng, ngày 11/12/2023 bà Nguyễn Lê Vân- giám đốc DSS Việt Nam và vợ anh L là chị Ph đồng ý kí biên bản thanh lý để nhận lại số tiền hoàn trả với tổng số tiền 233 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí. Biên bản thanh lý cho thấy chị Ph chờ tiền hoàn về trong vòng 90 ngày làm việc theo hợp đồng.

Thế nhưng, đến ngày 26/12/2023 DSS Việt Nam gửi email thông báo cho chị Ph là “Tạm dừng thanh lý”. Chị Ph cho biết: “DSS Việt Nam lấy lý do tôi vi phạm điều 4 trong hợp đồng là “nói xấu công ty” làm ảnh hưởng đến họ mặc dù họ không đưa ra được bằng chứng”.

Tiền mất lại rước bực vào người, nhiều lần chị Ph. lên công ty đòi nhưng không được trả, chị đành phải gửi đơn khởi kiện DSS Việt Nam ra Toà án nhân dân quận 3. “Hằng tháng tôi vẫn phải đi làm còng lưng để trả nợ gốc và lãi mà hai vợ chồng trước đó vay mượn ”- chị Ph. ngậm ngùi.

Quảng cáo không đúng sự thật?

Theo điều tra của PV Tiền Phong, Công ty Giáo dục DSS ở Úc thành lập ngày 23/01/2018 với mã số doanh nghiệp là 45623997777 nhưng chưa đăng ký ngành nghề kinh doanh về tư vấn lao động cũng như di trú .

Tuy nhiên, trên mạng xã hội, DSS Úc quảng cáo rằng doanh nghiệp có chức năng kinh doanh lĩnh vực làm Visa lao động, di trú Úc và có mã số di trú là 1684393. Mã số di trú nói trên theo tìm hiểu của Tiền Phong là mã số của Alan Dino Duri- một đại diện di trú quốc tịch Úc.

Do đó, mã số di trú trên không phải của DSS Úc. Đáng nói, Công ty DSS Việt Nam không phải là một chi nhánh hay văn phòng đại diện của DSS Úc. Tuy nhiên, công ty này quảng cáo DSS Úc và DSS Việt như chung một hệ thống và có tên gọi chung là DSS Group. Trên thực tế, hai công ty trên hoạt động độc lập và không có chung nghĩa vụ thuế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngậm trái đắng với giấc mơ làm việc ở trời Tây: Đủ chiêu thức 'dụ' khách hàng