Giáo dục

Ngăn bạo lực học đường nhờ 'giám sát toàn diện'

01/07/2024 08:55

Bộ Giáo dục Trung Quốc mới đây thông báo về chương trình 'giám sát toàn diện' tại các trường học.

Động thái được đưa ra trong bối cảnh chính phủ nước này nỗ lực giải quyết tình trạng bắt nạt và bạo lực học đường diễn ra tại các cơ sở giáo dục.

Nhiều ý kiến trái chiều

Theo đó, camera giám sát (CCTV) sẽ được lắp đặt ở những nơi như hành lang, phòng lưu trữ và trên mái của tất cả các trường tiểu học và trung học cơ sở. Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng chỉ đạo mỗi trường thành lập một ban quản lý để giải quyết vấn đề bạo lực học đường. Đồng thời, công bố thông tin liên lạc như số điện thoại, email của các quan chức chuyên trách để người dân có thể báo cáo khi cần.

Bên cạnh đó, sở giáo dục tại các địa phương cũng được yêu cầu xây dựng hướng dẫn cho giáo viên và phụ huynh về những vấn đề liên quan, ví dụ như việc tham vấn. Một số người cảm thấy bắt nạt sẽ đơn giản diễn ra bên ngoài khuôn viên trường.

Trong khi đó, những người khác cho biết, giáo viên sẽ có thể giám sát hành vi này tốt hơn ở những khu vực hẻo lánh trong khuôn viên trường học. Đối với các nhà cung cấp công nghệ được hưởng lợi từ biện pháp này, cuộc thảo luận đã chuyển sang giám sát nhà vệ sinh và phương pháp nào sẽ quá xâm phạm.

Động thái này của Bộ Giáo dục Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh dư luận phẫn nộ vì những trường hợp tử vong do các vụ bắt nạt học đường. Vào tháng 3, một nam sinh 13 tuổi ở Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc, bị ba bạn cùng lớp sát hại và chôn xác.

Cùng tháng đó, một nữ sinh 14 tuổi ở tỉnh Phúc Kiến nhảy lầu tự sát, nghi do bị bắt nạt. Gần đây, cha mẹ của nữ sinh 15 tuổi ở tỉnh Hồ Nam chia sẻ video ghi lại cảnh con gái mình tự rạch lên người để thoát hành vi bạo lực của các bạn cùng lớp.

Các giáo viên ở Trung Quốc nói rằng, một số trường học đã triển khai hệ thống CCTV trong lớp học. Theo họ, điều này mang lại lợi ích về mặt nào đó. Cô Ou - giáo viên tiểu học ở Quảng Châu cho biết, hơn một nửa trong số 50 lớp học tại trường cô đã lắp đặt camera giám sát. Giáo viên Ou cho biết thêm, quyết định này được đưa ra bởi các giáo viên chủ nhiệm và ủy ban phụ huynh.

Là một người có hơn 26 năm kinh nghiệm dạy học, cô Ou cho biết: “Nếu đa số phụ huynh đồng ý, một camera giám sát sẽ được lắp đặt trong lớp để họ theo dõi”.

Mặc dù, lớp học của giáo viên Ou không có camera quan sát, nhưng cô đã yêu cầu lớp trưởng giúp ghi hình lại những học sinh sử dụng điện thoại khi cô không có mặt - chẳng hạn như khi xếp hàng để chờ ngủ trưa.

Nữ giáo viên cho rằng, biện pháp này cho phép cô theo dõi tình hình học sinh. “Hầu hết trẻ em vẫn cần có sự giám sát để hành xử đúng mực. Camera giám sát đóng vai trò như một biện pháp ngăn chặn và cung cấp bằng chứng trong trường hợp sự cố xảy ra”, cô Ou nhận định.

Hiệp hội chống bắt nạt học đường Trung Quốc có trụ sở tại Sơn Đông ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch của Bộ Giáo dục. Cơ quan này cũng đồng ý rằng, việc lắp camera sẽ giúp ngăn chặn những kẻ bắt nạt.

Sáng kiến ban đầu cho biết, bắt nạt có xu hướng xảy ra ở những khu vực vắng vẻ trong khuôn viên trường. Do đó, việc sử dụng công nghệ để giám sát những khu vực này sẽ giúp giáo viên và nhân viên nhận thấy những hành vi đó sớm hơn để ngăn ngừa tổn hại.

Tuy nhiên, Lin Feng - một giáo viên trung học tại Quảng Châu lại cho rằng, camera giám sát không phải là giải pháp thực sự. “Nếu những kẻ bắt nạt biết có camera quan sát trong trường học, chúng sẽ chọn thực hiện các hành động có hại bên ngoài khuôn viên trường”, giáo viên này nhận định.

Ông lập luận rằng, việc lắp đặt camera giám sát sẽ chỉ giúp các trường học và chính quyền thoát khỏi trách nhiệm của họ. Do đó, nỗ lực tốt nhất vẫn là thực hiện giáo dục chống bắt nạt và trao quyền cho nạn nhân và người ngoài cuộc. Giáo viên này cũng gợi ý rằng, việc tăng hình phạt đối với hành vi bắt nạt cũng có thể hữu ích.

Việc lắp camera được cho là sẽ giúp ngăn chặn những kẻ bắt nạt trong trường học. Ảnh minh họa: INT

Việc lắp camera được cho là sẽ giúp ngăn chặn những kẻ bắt nạt trong trường học. Ảnh minh họa: INT

Đảm bảo quyền riêng tư?

Bộ Giáo dục Trung Quốc không nêu rõ các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân trong thông báo của mình. Sau các vụ bắt nạt gây chấn động dư luận, ngày càng có nhiều sự chú ý đổ dồn vào việc sử dụng công nghệ để giải quyết tai họa.

Công ty Công nghệ Zhilian Chuanghe Quảng Đông cho biết đã lắp đặt camera tại hơn 10 trường học, bao gồm cả tiểu học và đại học. Theo người phát ngôn của công ty, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào từ khu vực công cộng, thì nhà vệ sinh có thể là không gian tiếp theo cần được giám sát.

Công ty đã kinh doanh dịch vụ này hơn 20 năm này cho biết, nhìn chung, việc giám sát nhà vệ sinh vẫn đang ở giai đoạn đầu. “Hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) của chúng tôi đã được ra mắt vào tháng 1. Có những nhà cung cấp đang hỏi về việc lắp đặt hệ thống ghi âm giọng nói trong nhà vệ sinh. Tuy nhiên, do lo ngại về quyền riêng tư, chúng tôi chưa cài đặt bất kỳ hệ thống nào như vậy”, người phát ngôn chia sẻ.

Bộ Giáo dục Trung Quốc không đề cập đến việc giám sát nhà vệ sinh trong thông báo của mình. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng nâng cao sức khỏe tinh thần của học sinh theo những cách khác, và gần đây, đã công bố một chiến dịch nhằm giải quyết vấn đề bài tập về nhà quá nhiều và tình trạng bắt nạt.

Đồng thời, đưa ra một thông báo nêu chi tiết 12 hành vi tiêu cực trong trường học, như các hành động ảnh hưởng đến thời gian nghỉ theo lịch trình của học sinh, dung túng hành vi bắt nạt.

Vào tháng 4, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc tuyên bố sẽ có biện pháp kỷ luật cứng rắn hơn đối với trẻ vị thành niên bắt nạt. Hãng tin nhà nước Global Times cho biết, những người phạm tội nghiêm trọng sẽ bị gửi đến các cơ sở giáo dục chuyên biệt hoặc phải chịu hình phạt của công an, thậm chí là cáo buộc hình sự.

Ông Yang Heqing - người phát ngôn của Ủy ban Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết phụ huynh, nhà trường và các cơ quan giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng bắt nạt tại khuôn viên trường.

Vừa qua, Trung Quốc cam kết sẽ tiến hành chiến dịch quy mô toàn quốc nhằm dẹp bỏ vấn nạn bắt nạt học đường. Nỗ lực này được thúc đẩy trong bối cảnh Trung Quốc ghi nhận ngày càng nhiều vụ việc trẻ vị thành niên phạm pháp và số vụ tự tử gia tăng ở các trường tiểu học và trung học.

Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng nâng cao sức khỏe tinh thần của học sinh theo nhiều cách. Ảnh minh họa: ITN

Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng nâng cao sức khỏe tinh thần của học sinh theo nhiều cách. Ảnh minh họa: ITN

Bộ Giáo dục cũng sẽ đào tạo học sinh, giáo viên và phụ huynh về luật chống bạo lực học đường, cũng như cải thiện các biện pháp kỷ luật và cơ chế giải trình.

Trong tuyên bố vào cuối tháng 4, Ủy ban Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ tiến hành một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng đối với tất cả trường tiểu học và trung học để phát hiện nguy cơ “bắt nạt học sinh”.

Tuyên bố cho biết sẽ tập trung hơn vào việc tăng cường sức khỏe tâm thần của học sinh với một hệ thống được nâng cấp để theo dõi sức khỏe tâm lý của các em và sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa trường học và bệnh viện.

Trung Quốc đã hạ độ tuổi tối thiểu để chịu hình phạt hình sự từ 14 tuổi xuống 12 tuổi vào năm 2021. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cơ quan công tố cao nhất của Trung Quốc, vẫn phải quyết định xem những nghi phạm như vậy có ra tòa hay không.

Trong đánh giá thường niên năm ngoái, tổ chức này cho biết các trường hợp trẻ vị thành niên phạm pháp ở Trung Quốc đang gia tăng và cho thấy xu hướng do những thủ phạm “chưa đủ tuổi vị thành niên” thực hiện.

“Bạo lực gia đình và áp lực giáo dục là những vấn đề bề mặt, còn những tổn thương thế hệ và kỳ vọng xã hội của các gia đình Đông Á là những mặt sâu hơn của tảng băng”, một người dùng chia sẻ trên mạng xã hội Douban.

Theo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cảnh sát đã chuyển tới 327 nghìn trẻ vị thành niên hoặc những người dưới 18 tuổi cho các công tố viên trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2022, mức tăng trung bình hàng năm là 7,7%.

Trong số này, số vụ phạm tội do người dưới 16 tuổi thực hiện tăng trung bình 16,7% mỗi năm. Sự gia tăng tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên cũng đang gây lo ngại.

Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc năm ngoái cho thấy tỷ lệ tự tử ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi đã tăng gấp 4 lần từ năm 2010 đến năm 2021, dù tỷ lệ tự tử nói chung ở tất cả các nhóm tuổi đều giảm.

Theo CNA

Bài liên quan
UN Women và Bộ GD&ĐT thí điểm chương trình phòng ngừa bạo lực học đường
UN Women và Bộ GD&ĐT phối hợp thí điểm chương trình phòng ngừa bạo lực học đường trên cơ sở giới trong các cơ sở giáo dục thường xuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn bạo lực học đường nhờ 'giám sát toàn diện'