Trước đó, một loạt ngân hàng thương mại tiếp tục xu hướng giảm lãi suất gồm 4 ngân hàng thương mại quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, Eximbank, Sacombank, VietABank, Kienlongbank, NCB, OCB…
Ghi nhận đến thời điểm này, mức lãi suất huy động 9%/năm gần như chỉ xuất hiện ở một vài ngân hàng với một số kỳ hạn dài.
Như tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), lãi suất huy động kỳ hạn dài từ 18-36 tháng là 9%/năm khi gửi tại quầy và 9,3%/năm nếu khách hàng gửi tiết kiệm online. Đây là mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này.
Tại Ngân hàng TMCP Bản Việt, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 15 tháng trở lên vẫn được hưởng mức lãi suất 9%năm và mức lãi suất cao nhất là 9,3%/năm khi khách gửi kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất, Công ty chứng khoán VNDirect cho biết lãi suất huy động đã quay đầu giảm từ giữa tháng 2-2023, tập trung ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân và nhóm ngân hàng thương mại nhà nước lần lượt ở mức 7,8%/năm và 7,2%/năm, giảm lần lượt 0,4 điểm % và 0,2 điểm % so với thời điểm cuối tháng 1-2023.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô và chiến lược thị trường VNDirect, kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2023, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại và thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công giúp bơm thanh khoản vào nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động hơn trong việc hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở, mua vào ngoại tệ...
"Tuy nhiên, mức giảm sắp tới sẽ không lớn do lãi suất giảm sẽ gây thêm áp lực lên tỉ giá trong bối cảnh Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục tăng lãi suất chính sách đến giữa năm nay và giữ mặt bằng lãi suất cao đến quý IV/2023" – ông Đinh Quang Hinh nói.