Ngăn làn sóng rút BHXH một lần: Đâu là quyền lựa chọn của người lao động?

Theo An Chi | 18/10/2023, 12:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Muốn hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cần cải thiện chế độ hưu trí để người lao động thấy được lợi ích của chính sách

Tại cuộc họp báo thông tin kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội 9 tháng đầu năm 2023 do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ngày 17-10, ông Nguyễn Duy Cường – Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, theo thống kê từ năm 2016-2022 có gần 5 triệu người hưởng BHXH một lần, trong đó 70% có thời gian tham gia bảo hiểm ngắn (dưới 5 năm), 99% ở trong độ tuổi từ 20-40 (độ tuổi lao động). Điều này cho thấy việc người lao động (NLĐ) rút BHXH một lần tuy là giải pháp tình thế, song lại để lại hệ lụy lâu dài cho bản thân NLĐ vì họ sẽ rất thiệt thòi khi rời khỏi hệ thống an sinh này.

Về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án tại điểm đ khoản 1 Điều 70, cụ thể như sau:

+ Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau:

++ Nhóm 1: Đối với NLĐ đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

+ Nhóm 2: Đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/7/2025) không được nhận BHXH một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).

Ngăn làn sóng rút BHXH một lần: Đâu là quyền lựa chọn của người lao động? - Ảnh 1.

+ Phương án 2: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhung tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH".

Tại các buổi góp ý về chính sách này tại TP HCM, nhiều ý kiến đề xuất nên chọn phương án 1 mà dự thảo Luật BHXH đề xuất, tức chỉ nhóm tham gia trước khi luật có hiệu lực (dự kiến trước ngày 1-7-2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Phương án này thực hiện theo nguyên tắc không hồi tố, bảo đảm thực hiện các thỏa thuận với NLĐ vào thời điểm họ tham gia, dễ dàng nhận được sự đồng thuận của người đang tham gia BHXH và có cơ sở đưa chính sách BHXH tiến tới BHXH toàn dân trong tương lai.

Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc cũng có những hiến kế xác đáng để hoàn chỉnh chính sách BHXH. Một bạn đọc tên Hùng góp ý: "Đồng ý chọn phương án 1. Còn nếu bảo lưu thì nên bảo lưu 100% nếu không rút một lần. Tại sao cho rút một lần 50% còn lại 50% bảo lưu...để dành dưỡng già. Xin thưa sống trẻ được thì mới tới già, trẻ mà không sống được thì già ở đâu ra. Nên khuyến khích bảo lưu 100% nếu không rút một lần và sau khi có việc làm đóng tiếp BHXH thì được cộng dồn tiếp tục".

Bạn đọc Lê Thái Sơn bày tỏ: "NLĐ ngoài nhà nước rất rất khó để sống và làm việc đến tuổi 60-62 nghỉ hưu. Trước tuổi 45-50-55 họ đã bị vắt kiệt sức khỏe cho doanh nghiệp rồi. Họ là những người bị đào thải đầu tiên nếu như DN đó gặp khó khăn trong sản xuất. Điều quan trọng nhất là NLĐ họ đủ để biết cách tính lương hưu từ cách đóng của DN như thế nào. Nên có đủ điều kiện hưởng lương hưu thì họ cũng không mặn mà lắm vì lương hưu quá thấp. Trong khi đó, Bộ LĐ-TB-XH và ban soạn thảo Luật BHXH... không chỉ rõ ra là làm sao để NLĐ không bị sa thải, không bị các DN làm khó khi tuổi đã cao, sức khỏe yếu dần... NLĐ chỉ biết tự bơi trong cuộc sống".

Ban đọc Trần Bá Hùng đề xuất: "Tốt nhất là đủ năm đóng bảo hiểm cho NLĐ chọn về hưu hay đóng tiếp". Cùng góc nhìn, một bạn đọc Nguyễn Phương Thảo nhận định: "Quan trọng là phải giảm tuổi nghỉ hưu, vì ốm đau bệnh tật thì trẻ hoá, doanh nghiệp không muốn giữ chân NLĐ ngoài 50 tuổi vậy đợi 60 tuổi hưu thì đến khi nào". Bạn đọc Nguyễn Thị Lan chia sẻ: " Để giảm tình trạng rút 1 lần thì phải giảm tuổi nhận lương hưu. Chứ tình trạng cứ tăng tuổi nhận lương qua các năm thì NLĐ đợi chờ đến bao giờ? Trong khi thời buổi ốm đau bệnh tật tuổi già không biết thế nào. tôi đi làm công nhân từ năm 18 tuổi, đến năm 38 tuổi là tôi nghỉ và làm tự do. Tôi đóng được 20 năm bảo hiểm. Vậy tôi phải đợi 20 nữa mới có lương hưu. Thiết nghĩ có mấy ai đợi được. Vậy lên giảm số tuổi xuống thì dân sẽ có động lực để chờ hưu. Không thì tình trạng rút 1 lần bảo hiểm sẽ càng tăng".

Cải thiện chế độ hưu trí

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), cũng cho rằng phương án 1 phù hợp tâm tư nguyện vọng và bảo đảm quyền lợi NLĐ khi tham gia BHXH. Qua thăm dò ý kiến tại công ty, tập thể công nhân đều không tán đồng phương án 2 bởi nó hạn chế quyền lợi của NLĐ và không ai muốn nhận BHXH một lần 50% thời gian đóng. "Muốn hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, phải cải thiện chế độ hưu trí để NLĐ thấy được lợi ích của chính sách. Cụ thể, mức lương hưu phải bảo đảm mức sống tối thiểu; có chính sách hỗ trợ vốn vay cho người nghỉ hưu nhưng còn khả năng lao động nhằm tự tạo việc làm, cải thiện thu nhập" - ông Nghiệp đề xuất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn làn sóng rút BHXH một lần: Đâu là quyền lựa chọn của người lao động?