Ngành Công nghệ sinh học hứa hẹn tạo ra những đột phá trong lĩnh vực dược, nông nghiệp và môi trường, nhưng ngành này thường gắn liền với nỗi lo khó xin việc hoặc phải làm trái ngành.
Từ trải nghiệm của sinh viên năm 2 ngành Công nghệ sinh học tại một trường trên địa bàn TPHCM, sinh viên Nguyễn Thùy An cho rằng tiềm năng ngành này rất lớn, từ việc tạo ra vắc-xin thế hệ mới, phát triển giống cây trồng chịu hạn, cho đến việc làm sạch các dòng sông ô nhiễm. “Hy vọng sau khi ra trường, em có thể làm việc tại một viện nghiên cứu lớn, được đứng trong phòng lab và tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội”, An nói.
Đối lập với sự lạc quan của An, bạn cùng lớp Nguyễn Tuấn Khoa chia sẻ, lý thuyết là vậy, nhưng thực tế ít người tốt nghiệp ngành này được làm việc ở các viện nghiên cứu. Họ chủ yếu làm trình dược viên, bán thiết bị y tế hoặc chuyển sang làm ngành khác như marketing, truyền thông. Đa số nói rằng công việc đúng chuyên môn ít, yêu cầu lại cao “ngất ngưởng”, thường chỉ tuyển thạc sĩ trở lên. Lương khởi điểm cho cử nhân trong phòng thí nghiệm nhiều khi không bằng bạn làm kinh doanh.
Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, ngành Công nghệ sinh học thường bị gắn mác “khó xin việc”. Nhận định này không chỉ phổ biến trong tâm lý học sinh, phụ huynh, mà còn xuất hiện ở một số sinh viên đang theo học ngành. Tuy nhiên, theo ThS Dương Nhật Linh - giảng viên Khoa Công nghệ sinh học - Trường Đại học Mở TPHCM, quan niệm này cần được nhìn nhận lại một cách toàn diện, thấu đáo và mang định hướng tích cực hơn cho tương lai.
ThS Linh chỉ ra rằng, nhận định “khó xin việc” trong ngành Công nghệ sinh học một phần xuất phát từ người học. Nhiều sinh viên tốt nghiệp còn yếu về kỹ năng thực hành, sử dụng công nghệ số và ngoại ngữ, dẫn đến khó đáp ứng ngay các yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp hay viện nghiên cứu hiện đại. Trong bối cảnh công nghệ sinh học phát triển mạnh mẽ, gắn liền với các thành tựu của chuyển đổi số và khoa học liên ngành, đòi hỏi đối với nhân lực ngành này ngày càng cao và kén chọn hơn so với trước đây.
Ngành Công nghệ sinh học vốn mang tính công nghệ và nghiên cứu cao, đòi hỏi người học phải có nền tảng học thuật vững chắc, tư duy khoa học sắc bén, cùng khả năng đọc hiểu, tổng hợp và vận dụng kiến thức linh hoạt. Bên cạnh đó, kỹ năng thực hành trong phòng thí nghiệm, sử dụng thành thạo các thiết bị và phần mềm số, khai thác dữ liệu lớn, nắm vững tin sinh học, lập trình cơ bản và đặc biệt ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh chuyên ngành) - là những yếu tố không thể thiếu để hội nhập tri thức toàn cầu.
Theo ThS Linh, công nghệ sinh học là ngành đặc thù với tính liên ngành cao, yêu cầu nhân lực không chỉ am hiểu về sinh học, mà còn phải hội tụ tri thức từ nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, hóa học, tự động hóa và quản lý chất lượng. Người lao động trong ngành này cần có sự sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn, cũng như năng lực học hỏi liên ngành để thích ứng với sự đổi mới không ngừng của công nghệ và xu hướng xuyên ngành...
Ngành Công nghệ sinh học đang bước vào kỷ nguyên số với tốc độ phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia nhấn mạnh sinh viên và người lao động trong ngành cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
ThS Dương Nhật Linh khuyến nghị sinh viên ngành Công nghệ sinh học cần chủ động trau dồi kiến thức chuyên sâu, ngoại ngữ, kỹ năng số và trải nghiệm liên ngành. “Công nghệ sinh học đang ‘khát’ nhân lực chất lượng cao, những người linh hoạt, sáng tạo và đa năng. Chỉ cần chủ động và sẵn sàng đổi mới, sinh viên ngành Công nghệ sinh học có thể tìm được công việc phù hợp với năng lực, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành trong thời đại mới”, ThS Linh nhấn mạnh.
Cũng theo nữ giảng viên này, các trường đại học cần đổi mới chương trình đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận thực tế thông qua các môi trường thực hành, hợp tác doanh nghiệp và các chương trình hướng nghiệp. Điều này không chỉ giúp sinh viên làm quen với nhu cầu thực tế của ngành, mà còn xây dựng tư duy linh hoạt, sẵn sàng dấn thân vào những lĩnh vực mới thay vì lo lắng về nguy cơ “ế việc”.
Về phía doanh nghiệp, ông Đinh Xuân Tùng - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thuật Môi trường Gia Định (TPHCM), chia sẻ rằng nỗi lo thất nghiệp của sinh viên công nghệ sinh học phần lớn đến từ tư duy bị động. Trong các đợt tuyển dụng, công ty nhận được hàng chục hồ sơ từ cử nhân ngành này, nhưng ứng viên nổi bật không phải là người có GPA (điểm trung bình tích lũy) cao nhất mà là người thể hiện được khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.
Ông Tùng nhấn mạnh sự “kén chọn” của doanh nghiệp nằm ở kỹ năng thực tiễn. Sinh viên cần chủ động tìm kiếm cơ hội thực tập, tham gia các dự án nghiên cứu hoặc tự thực hiện các thí nghiệm nhỏ. Việc biết vận hành một hệ thống lên men, kỹ thuật phân lập và định danh vi khuẩn, hay cách phân tích kết quả xét nghiệm có giá trị hơn rất nhiều so với một bảng điểm “đỏ chói”.
Một số sinh viên cho rằng làm việc trong lĩnh vực môi trường vất vả và kém hấp dẫn so với làm trong phòng thí nghiệm y dược. Tuy nhiên, ông Tùng phản bác đây là định kiến sai lầm. “Ngành môi trường đang giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội, từ xử lý nước thải, ô nhiễm không khí đến phát triển các giải pháp bền vững. Lộ trình phát triển sự nghiệp cho một kỹ sư R&D trong lĩnh vực này rất rõ ràng và bền vững”, ông khẳng định.
Theo ông Tùng, sinh viên cần thay đổi góc nhìn từ bị động sang chủ động, hoạch định kế hoạch học tập và hành động cụ thể để đáp ứng nhu cầu thực tế. “Cánh cửa cơ hội của ngành Công nghệ sinh học rất rộng, nhưng không tự động mở ra cho mọi người. Nó mở ra cho những ai chủ động trang bị kiến thức nền tảng vững chắc, kỹ năng thực hành thành thạo, tư duy liên ngành, đặc biệt với công nghệ thông tin và dữ liệu, cùng khả năng ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề, làm việc nhóm”, ông Tùng kết luận.
ThS Dương Nhật Linh cho biết, nếu được chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng số và ngoại ngữ, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học có cơ hội việc làm: Nghiên cứu viên, giảng viên ở các viện - trường; Chuyên viên phòng lab (thí nghiệm), kiểm soát chất lượng ở doanh nghiệp thực phẩm, dược, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường; Chuyên gia tin sinh học, dữ liệu sinh học, kỹ sư phát triển/vận hành thiết bị, chuyên viên chuyển giao công nghệ, chuyên viên bán hàng hoặc tư vấn thiết bị sinh học - y sinh; Tham gia khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, vật tư y sinh, dịch vụ phòng thí nghiệm…