Ngành Du lịch: Nhân lực chất lượng cao thờ ơ với công việc

Ngọc Trang | 12/03/2022, 07:19
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngành Du lịch đang có những tín hiệu phục hồi sau thời gian dài ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu báo động về tình trạng khát nhân lực khi mà trước đó, hàng nghìn lao động đã nghỉ việc.

Người làm du lịch cũng cần chủ động trang bị khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt và ngoại ngữ tốt. Ảnh minh họa.Người làm du lịch cũng cần chủ động trang bị khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt và ngoại ngữ tốt. Ảnh minh họa.

Khó tuyển dụng lao động chất lượng

Chính phủ đã đồng ý mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3 tới đây. Hiện, các địa phương đang đôn đốc chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón đầu lượng khách lớn, đặc biệt hướng tới mùa du lịch cao điểm vào hè sắp tới.

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn nhân lực lao động trong ngành này suy giảm đáng kể. Nhiều lao động khi chuyển sang lĩnh vực khác, không còn mặn mà trở lại.

Trước đòi hỏi mới, các địa phương, đơn vị đang gấp rút bổ sung nguồn nhân lực cho đơn vị mình. Công ty Lữ hành Viettravels đã tổ chức tuyển dụng, đào tạo lại một lực lượng lớn nguồn nhân lực ở các lĩnh vực bán hàng, điều hành, tiếp thị… Trong khi đó, Công ty Du lịch Viettoursim đã tổ chức kết nối lại các nhân viên cũ đang tạm thôi việc cũng như liên hệ với nhiều trường đại học có khoa du lịch để tổ chức tuyển dụng. Ngoài ra là các khóa đào tạo cho đội ngũ nhân sự thêm các kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, xây dựng sản phẩm.

Ở lĩnh vực lưu trú, nhiều khách sạn, resort cũng tổ chức đào tạo đội ngũ nhân viên theo tiêu chuẩn mới như tổ chức du lịch kết hợp hội thảo, chăm sóc sức khỏe kết hợp nghỉ dưỡng, chữa bệnh...

Thống kê cả nước có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, trong đó có nhiều nhân công ở những mảng có liên quan. Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhân lực phần lớn bị mất việc làm. Số ít còn lại làm việc cầm chừng, nhiều người buộc phải chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống. Theo đánh giá, sau nhiều năm bị ảnh hưởng thì lao động cũng đặt ra nhiều lo ngại nếu tiếp tục làm việc trong ngành Du lịch.

Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch chia sẻ chỉ giữ lại lực lượng chủ chốt để duy trì, sau này phục hồi. Vì vậy, trong bối cảnh đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng thì rất khó để kéo lao động có chất lượng quay trở lại làm việc. Còn những lao động ngoài ngành, rất khó để họ bỏ công việc hiện tại mà “nhảy” sang lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo phải chuyển đổi hình thức, phương pháp giảng dạy, đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến với cơ sở vật chất, trang thiết bị không đồng bộ, thiếu cơ sở thực hành, điều kiện học tập từ thực tiễn. Đặc biệt, việc tuyển sinh tại một số trường đào tạo du lịch thời gian qua cũng giảm. Do đó không thể dễ dàng ngày một ngày hai có được lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu khi du lịch hồi phục.

Chính vì thế, để hoạt động du lịch phát triển, doanh nghiệp phải tìm mọi cách giữ chân người lao động, mặt khác rất cần được Chính phủ hỗ trợ về tài chính. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp, để họ không bỏ ngành.

Lao động, đào tạo cần phải thay đổi

Việc đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch là một trong những nhiệm vụ đang được nhiều địa phương, đơn vị chú trọng. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực bổ sung là vấn đề khiến nhiều đơn vị lo lắng.

Chuyên gia cho rằng, lực lượng lao động cần phải thay đổi cách làm việc, tiếp cận với công nghệ, thị trường thì mới thu hút được du khách. Chưa kể đến, nguồn nhân lực hiện nay còn yếu về kỹ năng, ngoại ngữ và trình độ mà cốt lõi là vấn đề đào tạo. Nhiều công ty lữ hành khi tuyển dụng hầu như phải đào tạo lại ít nhất 6 tháng, muốn đào tạo lành nghề phải mất 12 tháng.

Vì vậy, việc tuyển dụng nhân sự theo mong muốn là tương đối khó khăn trong thời điểm này. Phần lớn, đội ngũ nhân sự cũ vẫn bị ảnh hưởng thói quen làm việc trước đây. Còn lực lượng lao động mới tuyển từ các trường đại học lại thiếu kinh nghiệm thực tế. Một trong những hạn chế của lực lượng nhân sự hiện nay là thiếu các kỹ năng mềm về ứng dụng công nghệ, xử lý tình huống.

Theo ông Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao: “Đây là công việc thường xuyên phải tương tác giữa con người với con người, con người với thiên nhiên và đa dạng các nền văn hóa trên thế giới. Vì vậy, cần có vốn kiến thức sâu rộng ở nhiều chủ đề khác nhau, từ lịch sử, văn hóa đến chính trị, xã hội... Ngoài ra, cần sự năng động và linh hoạt để xử lý các tình huống. Đây cũng chính là nguyên nhân khó tuyển dụng ngay được nhân lực tạm thời. Tuy nhiên, dấu hiệu khởi sắc của du lịch khiến cho sinh viên theo học yên tâm hơn”.

Vì vậy, cơ quan quản lý du lịch cần hỗ trợ các đơn vị tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản, chuyên sâu, đáp ứng được tiêu chí mới của ngành Du lịch trong bối cảnh thích ứng, an toàn dịch Covid-19. Ngoài ra, các đơn vị du lịch và trung tâm đào tạo cần có sự liên kết trong việc hỗ trợ đào tạo nhân lực. Đồng thời bổ sung thêm kỹ năng mới trong khâu đào tạo, có chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao làm việc.

Người làm du lịch cũng cần chủ động trang bị khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt và ngoại ngữ tốt. Cùng với đó là các kỹ năng truyền đạt hiệu quả cũng như có vốn kiến thức về các lĩnh vực văn hóa - xã hội phong phú và toàn diện.

Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn về nhân lực, ngoài sự đồng hành, định hướng của các Bộ và các sở, ngành, địa phương, việc xây dựng sản phẩm gắn với công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng cần được các doanh nghiệp chủ động hơn nữa. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo tại chỗ gắn với tình hình thực tiễn. Đây được xem là bước chuẩn bị cơ bản để giúp ngành Du lịch nhanh chóng phục hồi sau dịch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành Du lịch: Nhân lực chất lượng cao thờ ơ với công việc