Giáo dục

Ngành GD-ĐT thiết thực thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công

27/07/2024 06:51

Thực hiện chế độ chính sách đối với người có công luôn được ngành GD-ĐT quan tâm triển khai bằng việc làm thiết thực.

Chia sẻ thông tin, ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đồng thời khẳng định: Hoạt động trên phần nào xoa dịu nỗi đau chiến tranh, giúp các gia đình chính sách, người có công vươn lên, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Hỗ trợ về vật chất, tinh thần

- Việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, ngành GD-ĐT đã thực hiện chính sách này ra sao, thưa ông?

- Tưởng nhớ, tri ân và thực thi tốt chính sách với thương binh - liệt sĩ và người có công với cách mạng không chỉ thể hiện đạo lý uống nước, nhớ nguồn, mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực cho quá trình phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Với mục đích giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, các đơn vị trường học đã thực hiện chuỗi hoạt động đền ơn đáp nghĩa thiết thực, nhân văn, mang giá trị giáo dục sâu sắc như thăm hỏi, tri ân gia đình chính sách, người có công, thăm viếng mộ liệt sĩ…

Công tác chăm lo, bảo vệ cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động được Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng các cấp công đoàn trong ngành Giáo dục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và ở mọi thời điểm. Sự quan tâm không chỉ hỗ trợ về vật chất, tinh thần mà là động viên cần thiết, tri ân bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hằng năm, Công đoàn các đơn vị thường xuyên phối hợp với chuyên môn, đoàn thể khác tổ chức các hoạt động tri ân ý nghĩa. Tại đây, nhà giáo, người lao động được gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà, động viên, chia sẻ.

Ngoài ra, các đơn vị tổ chức các buổi “về nguồn” nhằm giáo dục truyền thống cho đội ngũ, khơi dậy niềm tự hào truyền thống gia đình với đối tượng chính sách, tiếp thêm sức mạnh cho họ trong công tác và cuộc sống, rèn luyện nâng cao bản lĩnh, nghị lực để cống hiến cho ngành, đất nước trên nền truyền thống của gia đình.

Công đoàn các đơn vị, trường học cũng làm tốt công tác tuyên dương, tôn vinh, khen thưởng đối tượng chính sách có nhiều thành tích cống hiến nhân dịp 27/7. Đặc biệt, công đoàn các trường học thường đảm nhận việc tu bổ, chăm sóc thường xuyên các khu tưởng niệm chiến sĩ cách mạng, anh hùng dân tộc đặt trong khuôn viên nhà trường.

- Năm 2024, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã thực hiện tri ân các nhà giáo, gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ, các hoạt động về nguồn như thế nào?

- Từ nhiều năm nay, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã huy động các nguồn lực để tìm kiếm, quy tập các nhà giáo hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tạo thành một quần thể Nghĩa trang Liệt sĩ ngành Giáo dục tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Đây là địa chỉ đỏ của đội ngũ nhà giáo, người lao động cả nước hướng về với lòng thành kính, biết ơn.

Hằng năm, Công đoàn Giáo dục Việt Nam chi một khoản kinh phí để Công đoàn Giáo dục tỉnh Tây Ninh chăm sóc, tu bổ và thực hiện nghi lễ thăm viếng nhân dịp các ngày lễ, Tết, dịp 30/4 và 27/7. Năm 2024, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chuyển hơn 94 triệu đồng nâng cấp đường đi nội bộ dẫn vào khu tưởng niệm và 28 triệu đồng cải tạo mái ngói khu nhà bia các liệt sĩ.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng tổ chức đoàn công tác dâng hương tại khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ ngành Giáo dục ở Nghĩa trang Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, nơi linh thiêng để tưởng nhớ công lao của những nhà giáo, sinh viên… gác bút nghiên vào chiến trường, anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Vào mỗi dịp 27/7, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đều tổ chức lễ dâng hương tại Khu tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh, viếng Nghĩa trang Liệt sĩ 21/10 tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và Khu di tích tưởng niệm cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cùng 30 học sinh Thụy Dân bị bom Mỹ giết hại.

Hằng năm, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức các đoàn công tác đến thăm, chúc Tết và tặng quà một số nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, thể hiện sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, lãnh đạo ngành Giáo dục đến nhà giáo, người lao động, giúp họ yên tâm công tác, tiếp tục đồng hành cùng ngành Giáo dục.

cham lo bang hanh dong cu the (2).JPG
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Lan Anh

Ghi nhận, tôn vinh và khen thưởng

- Công đoàn Giáo dục Việt Nam có kế hoạch gì trong thời gian tới để chăm lo tốt hơn cho người có công, gia đình chính sách trong ngành Giáo dục?

- Dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh phí chi cho các hoạt động tri ân, chăm lo các đối tượng chính sách vẫn được phân bổ hợp lý và theo đúng quy định. Hiện nay, Công đoàn Giáo dục Việt Nam duy trì quỹ Xã hội - là nguồn quỹ quan trọng trong việc hỗ trợ nhà giáo người lao động trong ngành nói chung và nhà giáo người lao động thuộc diện chính sách nói riêng.

Tại các cơ sở giáo dục, nguồn kinh phí, đoàn phí công đoàn được trích lại hơn 70% cho cơ sở hoạt động cùng hỗ trợ của chuyên môn và sự năng động tìm nguồn của các bộ công đoàn các cấp đã trang trải đủ và tạo nên dấu ấn hoạt động công đoàn đối với các đối tượng chính sách là nhà giáo, người lao động đang công tác tại các trường học.

Ngoài ra, tổ chức công đoàn các cấp trong ngành Giáo dục luôn được sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, tổ chức xã hội thông qua các ký kết thỏa thuận hợp tác được thực hiện thường xuyên. Các sản phẩm tiêu dùng, vật dụng sinh hoạt là sản phẩm của doanh nghiệp cũng là món quà thiết thực, ý nghĩa, dành cho đối tượng chính sách đã và đang công tác trong ngành Giáo dục.

Công đoàn luôn can thiệp kịp thời, đề xuất để chính quyền chuyên môn quan tâm đầu tiên tới các đối tượng chính sách như: Chuyển vùng, chuyển trường công tác; thực hiện hợp đồng làm việc, lao động; ưu tiên trong tuyển dụng; ghi nhận trong các hội đồng khen thưởng, kỷ luật...

Vì vậy, đời sống của các đối tượng chính sách luôn được quan tâm, động viên và tạo điều kiện trước các đồng nghiệp khác. Tổ chức công đoàn có giải pháp giúp họ vươn lên trong cuộc sống, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Những việc làm thiết thực của ngành GD-ĐT đã góp phần vào việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” trở thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành GD-ĐT thiết thực thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công