Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh kiểm tra công tác chấm thi tại Tiền Giang. |
Nỗ lực đào tạo, đặt hàng giáo viên
Nghị định 116/2020 của Chính phủ về hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt trong đào tạo sinh viên sư phạm đã cho phép cơ chế đào tạo giáo viên theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Nghị định này ra đời được xem là tín hiệu tích cực để ngành Giáo dục khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Thế nhưng, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, cùng với nhiều tỉnh, thành phố khác, tỉnh Tiền Giang cũng gặp một số khó khăn nhất định, cần có giải pháp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Qua thống kê cho thấy, số giáo viên thiếu so với định mức ở bậc học Mầm non 301 giáo viên, Tiểu học thiếu 298 giáo viên, THCS thiếu 261 giáo viên và THPT thiếu 40 giáo viên. Nhằm kịp thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thời gian qua, Sở GD&ĐT cũng như các địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng trong năm. Đồng thời, Sở GD&ĐT cũng đã hướng dẫn các trường thực hiện thỉnh giảng đối với giáo viên nghỉ hưu cũng như thực hiện hợp lý công tác điều chuyển giáo viên giữa các trường. Trong đầu năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT cũng đã phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TPHCM để tổ chức bồi dưỡng 900 giáo viên giảng dạy các môn mới bậc THCS và tiểu học theo Chương trình GDPT năm 2018.
Cùng với việc tuyển dụng giáo viên, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết số 11/2021, Nghị quyết số 12/2021 năm 2021 và Nghị quyết số 21/2022 năm 2022 để thu hút, khuyến khích đối với viên chức quản lý và giáo viên mầm non. Các nghị quyết này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ, thời gian qua, Sở GD&ĐT Tiền Giang cùng các sở, ngành và các đơn vị có liên quan phối hợp tham mưu UBND tỉnh nhiều văn bản tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 116. Theo đó, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1374 ngày 11/5/2022 phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT năm 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đề án, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đào tạo 2.190 sinh viên sư phạm bổ sung vào đội ngũ nhà giáo của ngành nhằm mục đích triển khai tốt Chương trình GDPT năm 2018. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành 2 Quyết định số 230 và 231 ngày 15/2/2023 giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho Trường ĐH Tiền Giang khóa đào tạo năm 2021 và năm 2022.
Cô trò Trường Tiểu học Âu Dương Lân (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) trong ngày khai giảng. |
Một số khó khăn cần tháo gỡ
Hơn 3 năm thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ, cũng như nhiều tỉnh thành khác, tỉnh Tiền Giang cũng đã phát sinh một số khó khăn.
Khi sinh viên được đào tạo theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng sau khi tốt nghiệp không thể tuyển dụng ngay mà phải qua kỳ thi tuyển, xét tuyển viên chức ngành Giáo dục theo quy định tại Nghị định số 115/2020 của Chính phủ. Nghị định 116 nêu rõ trường hợp sau 2 năm tốt nghiệp nhưng sinh viên không trúng tuyển viên chức thì phải thực hiện việc bồi hoàn kinh phí.
Trong khi đó, đối với sinh viên tự túc chi phí học tập, không được hỗ trợ chi phí học tập vẫn được tham gia thi, xét tuyển và nếu trúng tuyển sẽ dẫn đến trường hợp không có sự công bằng trong chính sách bởi cùng là giáo viên, người thì được hỗ trợ kinh phí đào tạo, người không được hỗ trợ.
Hiện tại, tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực thực hiện tuyển dụng giáo viên nhiều đợt trong mỗi năm học để bổ sung vào nguồn giáo viên đang thiếu. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng đã linh hoạt thỉnh giảng giáo viên về hưu, tổ chức tăng giờ tăng buổi đối với giáo viên đang công tác, điều chuyển giáo viên bộ môn thừa, thiếu để đáp ứng tốt quá trình dạy và học không bị gián đoạn.
Còn về tình hình triển khai Nghị định 116, hiện tại, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đang nỗ lực tiến hành chỉnh sửa một số nội dung trong Nghị định 116 theo hướng khả thi, phù hợp với thực tiễn.