Trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính và thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, ngành Giáo dục các địa phương đã chủ động xây dựng phương án
Trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính và thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, ngành Giáo dục các địa phương đã chủ động xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tốt nghiệp THCS và tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026 diễn ra cũng là thời điểm nhiều địa phương triển khai sáp nhập đơn vị hành chính. Trước thực tế này, ngành Giáo dục các tỉnh Bạc Liêu, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc… nhanh chóng lên phương án, chủ động điều chỉnh kế hoạch, bảo đảm kỳ thi và công tác tuyển sinh diễn ra an toàn, đúng tiến độ, đồng thời hạn chế tối đa xáo trộn cho học sinh và phụ huynh.
Ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu cho biết, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và tuyển sinh THPT năm học 2025 - 2026 trên địa bàn tỉnh được ngành Giáo dục khẩn trương triển khai. Tuyển sinh THPT được thực hiện theo Kế hoạch 32/KH-UBND ngày 3/3/2025 của UBND tỉnh Bạc Liêu về tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT và các lớp THCS của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh năm học 2025 - 2026. Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 diễn ra từ ngày 22 - 24/5.
Đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, công tác chuẩn bị được triển khai đúng tiến độ theo quy định của Bộ GD&ĐT. Dự kiến toàn tỉnh có 17 điểm thi (4 điểm thi tại thành phố Bạc Liêu, 3 điểm tại thị xã Giá Rai, mỗi huyện còn lại sẽ có 2 điểm thi).
Ông Tân cho biết, tỉnh Bạc Liêu đang trong quá trình triển khai phương án hợp nhất với tỉnh Cà Mau, dự kiến chính quyền mới chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/9. Đồng thời, tỉnh tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và bỏ cấp huyện.
Trong bối cảnh này, ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trường học được yêu cầu giữ vững nền nếp, bảo đảm chất lượng dạy và học, đặc biệt tập trung công tác ôn tập cho học sinh chuẩn bị tham dự các kỳ thi.
“Ngành cũng phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát và chuẩn bị đầy đủ điều kiện về nhân lực, vật lực…, bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và nhu cầu học tập của học sinh. Mục tiêu là tổ chức thành công kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đúng tiến độ, quy chế, hoàn thành trước khi chính quyền mới chính thức đi vào hoạt động”, ông Tân chia sẻ.
Tại tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Văn Tự - Hiệu trưởng Trường THPT TP Cao Lãnh cho biết, việc sáp nhập đơn vị hành chính chắc chắn ảnh hưởng đến công tác phân tuyến tuyển sinh THPT.
Trong khi chờ hướng dẫn chính thức, nhà trường chủ động phối hợp với phòng GD&ĐT và các trường THCS trên địa bàn để rà soát số lượng học sinh, chuẩn bị phương án tuyển sinh linh hoạt, tránh gây xáo trộn cho phụ huynh và học sinh. Ưu tiên hiện nay là đẩy nhanh công tác tuyển sinh, ổn định biên chế lớp học, đội ngũ giáo viên nhằm kịp thời triển khai năm học mới trước khi chính quyền mới chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/9.
Chung quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Danh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp nhận định, sau khi sáp nhập, ranh giới hành chính mới sẽ dẫn đến thay đổi vùng tuyển sinh, gây ra một số khó khăn trong công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, tổ chức thi tuyển vào lớp 10.
Ngành Giáo dục địa phương đang phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã có liên quan để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh, bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch cho học sinh.
“Chúng tôi cũng yêu cầu các trường ổn định tổ chức trước ngày 1/9, sẵn sàng bước vào năm học mới trong điều kiện hành chính mới”, ông Danh nhấn mạnh.
Cùng với cả nước, từ tháng 7, tỉnh Vĩnh Phúc không còn đơn vị hành chính cấp huyện. Đây là thay đổi lớn về mô hình quản lý Nhà nước, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Nhiều phụ huynh lo ngại giải thể phòng GD&ĐT có thể gây ảnh hưởng đến các khâu như xét tốt nghiệp THCS, tuyển sinh lớp 10. Tuy nhiên, theo đại diện Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc và các nhà trường, mọi công tác được chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo học sinh không bị gián đoạn quyền lợi trong giai đoạn chuyển tiếp này.
Theo Hướng dẫn 260/SGDĐT-KTQLCLGD của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, từ năm học 2024 - 2025, công tác xét công nhận tốt nghiệp THCS được tổ chức thành 2 đợt: Đợt 1 vào tháng 5 và đợt 2 vào tháng 8. Đáng chú ý, đợt 2 diễn ra sau thời điểm phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chấm dứt hoạt động.
Về nội dung này, căn cứ Văn bản 1581/BGDĐT-GDPT ngày 8/4/2025 của Bộ GD&ĐT và Văn bản 2880/UBND-VX1 ngày 16/4/2025 của UBND tỉnh, sở GD&ĐT sẽ phối hợp cùng UBND cấp xã để thực hiện chức năng quản lý hành chính, chuyên môn về giáo dục theo thẩm quyền. Hiện, dữ liệu học sinh Vĩnh Phúc được đồng bộ hóa trên hệ thống SMAS, đảm bảo các trường có thể hoàn thiện hồ sơ, lập hội đồng xét duyệt và gửi về đơn vị được giao.
Ông Phạm Khương Duy - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, khẳng định: “Việc bỏ cấp huyện không ảnh hưởng đến học sinh vì ngành Giáo dục đã chuẩn bị về hệ thống dữ liệu, nhân lực và quy trình từ sớm. Tất cả nhằm đảm bảo xét tốt nghiệp và tuyển sinh thực hiện đúng tiến độ, quy chế”.
Ở góc độ cơ sở, các trường THCS sớm vào cuộc để chủ động hỗ trợ học sinh. Chia sẻ của ông Trần Văn Lam - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kim Ngọc (Yên Lạc, Vĩnh Phúc): “Trong tháng 4, Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm gửi hướng dẫn và video thao tác đăng ký nguyện vọng trực tuyến thi vào lớp 10.
Học sinh được đăng ký thử tuyển sinh vào lớp 10 từ ngày 24 - 29/4 để làm quen, đồng thời phát hiện và sửa lỗi thông tin từ sớm. Với học sinh xét tốt nghiệp lần 2, nhà trường bố trí ôn tập hè, theo sát từng trường hợp để đảm bảo đủ điều kiện trước thời điểm 10/8 - hạn cuối cùng nộp hồ sơ xét công nhận”.
Cùng đó, công tác tuyển sinh vào lớp 10 được chuẩn hóa và hiện đại hóa. Học sinh lớp 9 tại Vĩnh Phúc năm nay đăng ký nguyện vọng dự thi trực tuyến qua phần mềm tuyển sinh dùng chung toàn tỉnh.
Dữ liệu được trích xuất từ hệ thống quản lý giáo dục phổ thông, tạo thuận lợi cho việc rà soát, đối chiếu thông tin. Những trường hợp đặc biệt như thí sinh tự do, học sinh tốt nghiệp từ các năm trước hoặc tỉnh khác được cấp tài khoản tại 1 trường THCS đã tốt nghiệp hoặc 1 trường THPT có nguyện vọng theo học để các em đăng ký dự thi.
Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Vĩnh Phúc diễn ra từ ngày 1 - 2/6 với 3 môn: Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. Các hội đồng coi thi, ra đề và chấm thi do sở GD&ĐT thành lập, điều hành tập trung. Các trường THPT đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh, được sở phê duyệt chỉ tiêu, đồng thời chủ động tổ chức truyền thông tới phụ huynh để học sinh lựa chọn nguyện vọng phù hợp.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc yêu cầu các trường tuyệt đối không gây áp lực hoặc can thiệp vào lựa chọn nguyện vọng của học sinh. Việc phân luồng sau tốt nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm phù hợp năng lực và điều kiện từng em.
Có thể thấy, dù bộ máy hành chính thay đổi, nhưng ngành Giáo dục các tỉnh đã chủ động và chuyển đổi linh hoạt. Hệ thống quản lý được số hóa, các quy trình tinh giản và liên thông giữa các cấp, giúp nhà trường, học sinh và phụ huynh không bị động. Công tác tổ chức xét tốt nghiệp THCS, tuyển sinh vào lớp 10 hay thi tốt nghiệp THPT, học sinh được bảo đảm đầy đủ quyền lợi trong giai đoạn chuyển giao hành chính này.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025 - 2026, 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Bạc Liêu và Đồng Tháp đều áp dụng hình thức thi tuyển với 3 môn bắt buộc là: Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. Trong đó, Vĩnh Phúc tổ chức thi vào ngày 1 - 2/6, thí sinh thi vào Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc thi thêm môn chuyên vào sáng 3/6.
Tại Bạc Liêu, kỳ thi diễn ra ngày 22 - 23/5, môn chuyên tổ chức trong ngày 23 và sáng 24/5. Đồng Tháp dự kiến tổ chức kỳ thi trong ngày 2 - 3/6, môn chuyên dành cho thí sinh vào Trường THPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu thi vào ngày 4/6.