Nhiều phương án phòng, chống bão Wipha và ảnh hưởng của thời tiết cực đoan có thể xảy ra đang được ngành Giáo dục Phú Thọ thực hiện.
Sở GD&ĐT Phú Thọ ban hành văn bản số 157 về việc thực hiện Công điện số 2 ngày 19/7/2025 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ về việc ứng phó với bão số 3 (Wipha).
Theo đó, Sở GD&ĐT Phú Thọ yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thực hiện tốt một số nội dung sau: Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết, mưa lớn, thông tin xả lũ hồ chứa, đập chứa,... để chủ động phòng, tránh, ứng phó.
Đặc biệt là các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả; quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên, tuyệt đối tránh tư tưởng chủ quan, bất cẩn.
Thực hiện thiết lập kênh thông tin giữa nhà trường với gia đình người học để quản lý, hạn chế mức thấp nhất rủi ro do thiên tai xảy ra với người học; tuyệt đối không tổ chức các hoạt động trải nghiệm đến những địa điểm có nguy cơ mưa bão, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét,... có thể xảy ra; khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh trường/lớp học ngay sau mưa lũ kết thúc đảm bảo an toàn, vệ sinh và phòng ngừa dịch bệnh.
Ứng phó hiệu quả với báo Wipha, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị giáo dục chủ động rà soát thực trạng cơ sở vật chất, xây dựng phương án phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai xảy ra.
Trong đó, chú ý tại các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt thì không bố trí các phòng thí nghiệm, phòng máy tính, thư viện, các trang thiết bị giá trị cao tại tầng 1 (tầng trệt).
Sở cũng lưu ý, đối với các cơ sở giáo dục chưa có nhà cao tầng cần tạm thời di dời các trang thiết bị đến nơi an toàn hoặc bố trí các trang thiết bị lên giá, kệ để bảo đảm an toàn phòng trường hợp thiên tai bất thường.
Rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của công trình tại cơ quan đơn vị, trường học trên địa bàn đảm bảo việc tiêu thoát nước, chống ngập úng khi mưa, lũ.
Chỉ đạo, thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá phân loại hệ thống cây xanh để có biện pháp xử lý phù hợp như tỉa cành, hạ độ cao đối với các cây đang phát triển, cây có chiều cao lớn; thực hiện chằng chống đảm bảo an toàn đối với những cây có dấu hiệu nguy hiểm để phòng ngừa khả năng cây bị gãy, đổ khi mưa bão, bảo đảm cây xanh sinh trưởng và phát triển tốt; chuyển đổi, thay thế với các cây không có khả năng khắc phục (mất an toàn) tại trụ sở cơ quan, trong các trường học trên địa bàn.
Xây dựng kế hoạch định kì, đặc biệt là vào trước mùa mưa bão về việc cắt cây, tỉa cành, bảo vệ cây, hạn chế tối đa nguy cơ gây mất an toàn đối với người và tài sản. Có kế hoạch kiểm tra, rà soát, trồng thay thế các cây lâu năm, cây có đặc tính rễ yếu bằng các cây trồng có cấu tạo rễ mọc sâu, vừa tạo điểm nhấn không gian kiến trúc cảnh quan đơn vị, trường học.
Đảm bảo an toàn hệ thống điện nội bộ tại cơ quan đơn vị, trường học trên địa bàn và cung cấp nước sạch cho các cơ quan đơn vị, trường học thuộc địa bàn có nguy cơ úng, ngập, đặc biệt đối với các trường học có học sinh nội trú, bán trú...