Sau khi tốt nghiệp, người học có thể trở thành lưu trữ viên trong công tác lưu trữ lịch sử (trung ương, tỉnh), lưu trữ chuyên ngành (quân đội, công an, điện lực, tài nguyên - môi trường… từ cấp tỉnh trở lên) và lưu trữ cơ quan của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, người học còn có thể lựa chọn làm việc tại các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, các tổ chức kinh tế và các cơ quan, tổ chức khác.
Bên cạnh đó, ngành học còn đáp ứng nhiều cơ hội trong việc nghiên cứu và giảng dạy tại các trường có đào tạo về lĩnh vực văn thư, lưu trữ; đào tạo kỹ năng hành chính, tin học, ngoại ngữ thực hiện các công việc văn phòng, văn thư và lưu trữ trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp…
“Mức lương trung bình mà một sinh viên nhận được khi bắt đầu làm việc trong các cơ quan Nhà nước là 5-7 triệu/tháng. Khi có kỹ năng, kinh nghiệm thì mức lương có thể tăng lên 8-10 triệu/tháng.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành Lưu trữ học, có khả năng ngoại ngữ, khi làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài mức lương có thể lên tới 15-20 triệu đồng/tháng” - TS Đỗ Văn Học chia sẻ thêm. Thầy cũng cho biết mức thu nhập còn tùy thuộc vào năng lực của từng nhân sự và môi trường làm việc.
Tại khoa Lưu trữ học - Quản trị Văn phòng, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM, chương trình đào tạo của ngành được thiết kế bao gồm khối kiến thức giáo dục đại cương (30 tín chỉ) và khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (90 tín chỉ). Trong đó, khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp được chia thành 3 nhóm là cơ sở ngành, chuyên ngành, kiến thức bổ trợ và thực tập.
Trong các môn học chuyên ngành đều có ít nhất 15 tiết thực hành. Phần kiến thức bổ trợ là các môn học để sinh viên có thể chọn học theo hướng nghiên cứu, làm việc hoặc sở thích. Nhiều môn có tính ứng dụng cao như: Quan hệ công chúng, Tổ chức sự kiện, Nghiệp vụ lễ tân đối ngoại… cũng được tích hợp vào chương trình đào tạo. Sinh viên ngành Lưu trữ học được đào tạo kỹ lưỡng các kỹ năng tạo lập và khai thác văn bản.
Thực tập chuyên ngành bao gồm Thực tập công tác văn thư (tổ chức vào năm 3) và Thực tập chuyên ngành Lưu trữ (tổ chức vào năm 4). Mỗi đợt thực tập kéo dài từ 1,5 – 2 tháng. Sinh viên sẽ thực tập tại các cơ quan, doanh nghiệp do sinh viên tự lựa chọn (trong trường hợp sinh viên không tự liên hệ được cơ quan thực tập, khoa sẽ hỗ trợ giới thiệu cơ quan thực tập cho sinh viên).
Sinh viên theo học ngành Lưu trữ học - Quản trị văn phòng trong một hoạt động khoa học. |
Ngoài việc đào tạo chuyên sâu về kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn, sinh viên theo học Lưu trữ học cũng có được môi trường học tập, vui chơi và phát triển rộng mở.
Ngoài chương trình học và thực tập theo kế hoạch, khoa và Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động tham quan thực tế tại các cơ quan, doanh nghiệp; những cuộc thi trong nhiều lĩnh vực để sinh viên cọ xát và phát triển thêm nhiều kỹ năng mềm.
Với môi trường Giáo dục toàn diện - Khai phóng - Đa văn hóa, sinh viên còn có thể tham gia nhiều CLB, đội nhóm về học thuật, tình nguyện, ngoại ngữ, văn nghệ - nghệ thuật và thể thao để rèn luyện kỹ năng, phẩm chất và thái độ để có thể thích nghi tốt với nhiều môi trường, sống nhân bản và trách nhiệm xã hội.