Vì là một ngành mới và rất có sức hút nên ngành tâm lý học có nhu cầu tuyển dụng khá cao. Các vị trí công việc mà sinh viên ngành tâm lý học có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp cũng rất đa dạng và phong phú. Một trong những công việc mà đã khá quen thuộc với nhiều người khi nghĩ đến ngành tâm lý học đó là các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý học. Đây là những người thường xuất hiện trên truyền thông với các chia sẻ thú vị về vấn đề tâm lý. Ngoài những công việc này ra thì còn rất nhiều vị trí khác có thể kể đến như:
Cán bộ tâm lý học đường: đây chính là các chuyên gia tâm lý tại trường học, có vai trò là cầu nối giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh trong các vấn đề về tâm lý học đường. Đây là một công việc không còn quá xa lạ tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển. Tại Việt Nam hiện nay, nhà nước cũng đang hướng đến việc triển khai mô hình học đường với ít nhất một cán bộ giáo dục là chuyên gia tâm lý để hỗ trợ các em học sinh, sinh viên, từ đó cải thiện chất lượng giáo dục, học tập.
Cán bộ tư vấn tâm lý tại các cơ sở y tế, khám chữa bệnh: đây chính là vị trí hỗ trợ các bác sĩ chuyên khoa tại các phòng khám, bệnh viện. Cán bộ trị liệu tâm lý sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ các bác sĩ chuyên khoa trong việc chữa trị cho những bệnh nhân có vấn đề tâm lý. Các công việc của cán bộ tư vấn tâm lý bao gồm của thực hiện các bài test tâm lý cho bệnh nhân, đánh giá bài test, chuyển kết quả cho bác sĩ.
Chuyên viên tư vấn, tham vấn tâm lý: Đây là công việc không giới hạn lĩnh vực, ví dụ như tư vấn tâm lý học đường, tư vấn tâm lý hôn nhân gia đình, tư vấn tâm lý tình yêu, tư vấn tâm lý xã hội,... Nhiệm vụ của các chuyên viên tư vấn, tham vấn tâm lý chính là hỗ trợ khách hàng của mình tìm hiểu và vượt qua các khó khăn trong cuộc sống như hôn nhân, gia đình, tình yêu, công việc,...
Giáo viên kỹ năng sống: Đây là công việc thiên về giảng dạy và diễn thuyết do đó yêu cầu người học phải năng động, tự tin và có khả năng trình bày vấn đề tốt, đặc biệt là trước đám đông. Người làm công việc này thường sẽ đưa ra các bài học để giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho mọi lứa tuổi.
Quản trị nhân sự: Đây là một hướng đi được các sinh viên ngành tâm lý học theo đuổi sau khi ra trường. Mặc dù có vẻ không liên quan nhưng thật ra việc nắm bắt được tâm lý con người giúp ích rất nhiều trong việc quản lý nhân sự cho các doanh nghiệp. Bản chất của quản trị nhân sự là công việc làm về con người, trong khi đó tâm lý lại quyết định trực tiếp đến hành vi và suy nghĩ của con người. Có kiến thức về tâm lý sẽ giúp nhân sự quản lý nhân viên tốt hơn, tuyển dụng được những người phù hợp và giữ được họ ở lại làm việc lâu dài cho doanh nghiệp.
Tâm lý học tuy là một ngành mới phát triển tại Việt Nam nhưng các vấn đề và nghề nghiệp xoay quanh nó thì lại xuất hiện rất nhiều và đa dạng trong cuộc sống. Do đó các bạn sinh viên theo học ngành này sẽ có rất nhiều sự lựa chọn về công việc sau khi ra trường với nguồn thu nhập ổn định, lâu dài.