"Khó hơn tưởng tượng!", đó là cảm nhận chung của không ít giáo viên sau khi tham gia ngày đầu khảo sát năng lực tiếng Anh do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức.
Sự kiện này diễn ra theo kế hoạch của Sở GD&ĐT TPHCM được ban hành từ ngày 15/4, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng giáo dục.
Theo ghi nhận từ phóng viên Dân trí, không khí tại các trường THPT trong ngày đầu tiên khá đặc biệt khi các thầy cô giáo bước vào "cuộc thử lửa" với bài khảo sát năng lực tiếng Anh kéo dài 90 phút.
Một giáo viên THPT ở quận Tân Phú cho hay: "Đề thi khó, thực sự là một thử thách. Cả giáo viên tiếng Anh và các bộ môn khác đều kêu độ khó vượt ngoài dự kiến".
Lãnh đạo một trường THPT khác trên địa bàn thành phố cho biết, tinh thần chung của giáo viên trong trường là tham gia khảo sát một cách nghiêm túc để có cái nhìn khách quan về trình độ hiện tại và xác định hướng phát triển năng lực tiếng Anh trong tương lai.
Vị này cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các chương trình bồi dưỡng tiếng Anh có thể được Sở GD&ĐT triển khai sau khảo sát.
"Giáo viên đều kêu khó. Song, chúng tôi hiểu rằng, nếu không sử dụng thường xuyên, tiếng Anh sẽ mai một. Vì vậy, nếu Sở có kế hoạch đào tạo, chúng tôi chắc chắn sẽ tích cực tham gia", vị lãnh đạo chia sẻ.
Bên cạnh những chia sẻ về độ khó của bài khảo sát, một cán bộ quản lý trường học tại TP. Thủ Đức cũng phản ánh về vấn đề kỹ thuật trong quá trình làm bài.
"Nhiều giáo viên gặp khó khăn khi đăng nhập và thực hiện bài khảo sát do lỗi mạng. Tình trạng vào được vài câu lại bị văng ra diễn ra khá phổ biến, khiến nhiều thầy cô chưa thể hoàn thành bài thi trong ngày. Chúng tôi sẽ cố gắng tranh thủ vào buổi tối để tiếp tục", vị cán bộ này cho hay.
Vị này xác nhận giáo viên cũng "toát mồ hôi" với đề khảo sát này bởi thời điểm này thầy cô đang tập trung cho việc kiểm tra cuối học kỳ II.
ThS Lê Thị Hồng Anh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, nhận định rằng đây là một hoạt động cần thiết để đánh giá lại kỹ năng tiếng Anh của đội ngũ giáo viên.
Bà cho rằng, năng lực ngoại ngữ, cùng với tin học, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong bối cảnh giáo dục hiện đại.
"Việc khảo sát này giúp giáo viên có cái nhìn thực tế về năng lực của bản thân, từ đó chủ động hơn trong việc tự trang bị, bổ sung kiến thức và kỹ năng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu giảng dạy", ThS Lê Thị Hồng Anh chia sẻ.
Chia sẻ về kết quả khảo sát của giáo viên trường, bà Hồng Anh nói, có những thầy cô làm rất tốt nhưng cũng có người gặp khó khăn tại "vốn" ngoại ngữ của mỗi người sẽ có sự khác nhau.
"Có thầy cô khá thoải mái nhưng cũng có người áp lực", nữ hiệu phó cho hay.
Trong ngày đầu diễn ra khảo sát, hệ thống trực tuyến tại địa chỉ https://englishsurvey.hcm.edu.vn/ đã ghi nhận tình trạng nghẽn mạng trong khoảng thời gian từ 11-16h.
Phía Sở GD&ĐT TPHCM giải thích rằng nguyên nhân là do tình hình an ninh mạng được thắt chặt, số lượng truy cập đồng thời quá lớn và hệ thống cần ẩn thông tin đăng nhập của giáo viên để bảo mật. Sau thời gian trên, hệ thống đã hoạt động ổn định trở lại.
Theo Sở, giáo viên nào không đủ thời gian cho khảo sát hôm nay có thể tham gia khảo sát vào các thời gian của các ngày khác trong kế hoạch.
Cùng với đó, Sở GD&ĐT TPHCM bổ sung thêm đối tượng cán bộ quản lý tại các trường tiểu học, THCS, THPT công lập trên địa bàn thành phố vào diện khảo sát.
Đợt khảo sát sẽ diễn ra diễn ra 7 ngày, từ ngày 23/4 đến hết 29/4 theo từng nhóm giáo viên. Việc khảo sát nhằm nắm rõ tình hình thực tế, khái quát bức tranh tổng thể về năng lực tiếng Anh của đội ngũ giáo viên toàn ngành.
Từ đó, Sở GD&ĐT TPHCM tính toán, xây dựng kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Đặc biệt, lãnh đạo Sở nhấn mạnh đây không phải là kỳ thi đánh giá, xếp loại năng lực hay chuyên môn của từng giáo viên. Sở không dùng kết quả khảo sát để đánh giá thi đua, xét lương, kỷ luật.