Trước ngày khai giảng 3 tuần, cô Y Dung vượt hơn trăm km từ xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) để vào điểm trường thôn Ia Đơr (Trường Tiểu học – THCS Nguyễn Tất Thành, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) dọn dẹp trường lớp.
Ở huyện biên giới Ia H’Drai, mặc dù tất bật với công việc hằng ngày nhưng phụ huynh rất quan tâm đến việc học của con em. Do đó, đầu năm học, giáo viên đỡ vất vả trong công tác vận động, đưa học sinh ra lớp. Thế nhưng để giữ được trò ở trường, đặc biệt giúp học sinh lớp 1 thích thú khi ra lớp, cô Y Dung tranh thủ đến sớm để trang trí trường, lớp học.
Những lớp học sạch sẽ với tranh ảnh màu sắc sẽ giúp các em cảm thấy gần gũi, hào hứng hơn khi bước vào năm học mới. Cô Y Dung còn không quên chuẩn bị những phần quà, bánh kẹo… và một số trò chơi, hoạt động tập thể để các em háo hức đến lớp.
Giáo viên Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Lê Lợi (xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) cũng tất bật dọn dẹp, trang trí trường - lớp chuẩn bị đón học sinh. Đồng thời vào các thôn, làng nhắc nhở, vận động phụ huynh đưa con ra lớp đúng lịch tựu trường.
Thầy Nguyễn Đình Tịnh – giáo viên của trường còn mua thêm ít cây xanh điểm tô thêm màu sắc cho phòng học. Trải qua thời gian dài gắn bó với vùng khó, thầy Tịnh cũng quen với việc cắt, dán… hình ảnh, con vật trang trí khắp phòng để trò hào hứng khi trở lại trường. Những phần quà, gồm bánh, kẹo và đồ dùng học tập cũng được thầy Tịnh chuẩn bị sẵn để tặng cho học sinh vào đầu năm học mới.
Bàn ghế mới tại Trường THCS Đắk Ruồng để chuẩn bị đón trò ra lớp. Ảnh: Nguyễn Dung |
Nhiều năm nay, ngày khai giảng năm học mới đối với bà con người dân tộc Mông ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cũng trở thành ngày hội đặc biệt. Vào ngày này, phụ huynh đưa con tới trường với bộ trang phục truyền thống cầu kỳ, đẹp nhất. Cả sân trường rực rỡ sắc màu với nhiều hoạt động được chờ đợi ở cả phần lễ lẫn phần hội.
Thầy Lô Khăm Phu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống - chia sẻ, theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn, lễ khai giảng của các trường trên địa bàn được đồng loạt tổ chức vào ngày 5/9.
Tại Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống, phần lễ được tổ chức đầy đủ, trang nghiêm nhưng ngắn gọn. Mục đích để học sinh cảm nhận được thời khắc ý nghĩa, quan trọng khi năm học mới chính thức bắt đầu, với sự có mặt đầy đủ của thầy, cô giáo, lãnh đạo chính quyền địa phương và cả phụ huynh.
“Chúng tôi hướng đến học sinh, phụ huynh, với mong muốn các em cùng với thầy, cô giáo nỗ lực cho năm học mới đảm bảo sĩ số, dạy tốt, học tốt. Sau phần lễ, nhà trường sẽ dành nhiều thời gian tổ chức phần hội cho học sinh như chơi trò chơi dân gian, múa hát truyền thống, thi đấu thể dục thể thao giữa các lớp. Mục đích tạo không khí vui tươi, náo nức để khởi đầu năm học mới đầy hứng khởi” – Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống nói.
Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống có 100% học sinh là người Mông, nhiều em ở bản xa phải về trường bán trú, nhưng phần lớn đều chăm chỉ, có ý thức học tập. Trong đó, có nhiều em thông minh, là nguồn học sinh giỏi của huyện. Điều lo ngại nhất là một số em chịu ảnh hưởng, tập tục bắt vợ ở bản làng, nên nguy cơ “mất” trò luôn hiện hữu.
Vì thế, không chỉ chờ đến mùa lễ hội hay Tết Nguyên đán, mà ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có kế hoạch tuyên truyền phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Ngày khai giảng là lễ hội lớn của nhà trường và cũng là của dân bản.
Đây cũng là dịp để phụ huynh được chứng kiến nơi học tập, sinh hoạt, các hoạt động của con em mình, được thầy cô bảo ban, dạy dỗ, nuôi dưỡng. Tạo sự yên tâm, tin tưởng cho phụ huynh cũng là cách tuyên truyền tốt nhất để thay đổi nhận thức của bố mẹ, cho con em mình được đến trường, học tập, không bỏ học sớm đi làm hay lấy chồng, lấy vợ…
Trường Tiểu học và THCS Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong, Nghệ An cũng đón nhận nhiều niềm vui ngay trước thềm năm học mới. Đây là ngôi trường có 2 cấp học với 5 điểm trường, gồm trường chính và 4 điểm bản lẻ. Năm học 2023 - 2024 trường có 21 lớp với 438 học sinh, chủ yếu là con em hộ nghèo, gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trường vẫn chưa có phòng học chức năng, khu nhà ở bán trú chỉ đáp ứng chưa đến một nửa nhu cầu của học sinh. Còn lại các em đang phải ở phòng tạm hoặc bố trí ở trong phòng xuống cấp và phòng làm việc của khu vực trường mầm non trên địa bàn xã. Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, thời gian qua ngành Giáo dục Nghệ An đã kêu gọi được 1,7 tỷ đồng, hỗ trợ Trường Tiểu học và THCS Nậm Nhoóng xây nhà ở bán trú cho học sinh.
Trao quà hỗ trợ cho trường, ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - bày tỏ sự cảm ơn tới 300 trung tâm trên địa bàn đã chung tay, góp sức với ngành hỗ trợ công trình bán trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Đây là món quà có ý nghĩa thiết thực, giúp các em ở trường sớm có điều kiện được học tập và sinh hoạt thuận lợi.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng mong các địa phương, đơn vị, đoàn thể xã hội, nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm, đồng hành với ngành để chăm lo cho các trường, học sinh vùng cao, đặc biệt khó khăn trong năm học 2023 - 2024.
“Cận kề ngày khai giảng, giáo viên sẽ đến từng thôn, làng để tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp. Thế nhưng những món quà hỗ trợ đầu năm học hay một số hoạt động ngoại khóa, văn nghệ sẽ thu hút học sinh đến trường hơn”, thầy Đoàn Văn Thoài - Hiệu trưởng Trường THCS Đắk Ruồng (huyện Kon Rẫy) tâm sự.