Ngay sau đó 1 năm, Việt Nam đã chính thức tổ chức ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” trên toàn miền Bắc. Từ đó, 20/11 trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam.
Hàng năm, vào ngày này, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuyên xuất bản và phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo viên đang ở trong vùng tạm chiến cũng như động viên tinh thần, sự hy sinh của giáo viên kháng chiến.
Đến năm 1982, khi Việt Nam đã thống nhất, theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4 năm 1982), và Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em… Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ nước Việt Nam) đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm trở thành ngày Nhà giáo Việt Nam theo Quyết định số 167/HĐBT.
20/11/1982 là ngày lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên tại nước ta được tiến hành trọng thể trong cả nước. Từ đó đến nay, ngày này được trở thành ngày truyền thống để tôn vinh công tác trồng người ở nước ta. Nó là ngày người dân Việt Nam cùng nhau thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc: "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "Tôn sư trọng đạo",...