Điều chỉnh kế hoạch ôn tập
Theo cô Nguyễn Thị Hà – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, thực tế phân phối chương trình đã khá chặt về kiến thức, kỹ năng môn học, năm học cho từng khối lớp. Nhà trường chủ yếu thực hiện kế hoạch giảng dạy đảm bảo mục tiêu đề ra. Đồng thời tập trung chính cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đẩy mạnh ôn tập đối với khối 12 theo tổ hợp môn mà học sinh đăng ký.
Do đó, khi các trường đại học thay đổi phương thức xét tuyển, không chỉ học sinh mà giáo viên cũng không tránh khỏi lúng túng. Chưa kể do ảnh hưởng của dịch bệnh, lịch học trực tiếp của học sinh bị gián đoạn, nhà trường đang tập trung rà soát kiến thức để trám lỗ hổng cho học sinh.
“Hiện chúng tôi đã yêu cầu các lớp rà soát số lượng học sinh tham dự Kỳ thi ĐGNL. Từ đó yêu cầu các tổ chuyên môn nghiên cứu các đề thi mẫu để xây dựng kế hoạch ôn tập hoặc hỗ trợ cho học sinh. Rất may là trong thời gian qua, nhà trường chủ trương học sinh học đều các môn, không học lệch, học tủ nên việc ôn thi của học sinh thuận lợi hơn”, cô Nguyễn Thị Hà cho hay.
Trường THPT Diễn Châu 3 (huyện Diễn Châu) vừa tổ chức Hội thảo chuyên môn dạy học theo kỳ thi đánh giá năng lực. Đồng thời xây dựng tập san bao gồm bài viết của giáo viên bộ môn đánh giá về kỳ thi từ tổng quan đến phân tích đề thi của các ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa. Từ đó có định hướng thay đổi phương pháp dạy học phù hợp đối với từng môn học.
Phân tích đề thi ĐGNL của ĐH QG Hà Nội năm 2022, cô Nguyễn Thị Đào – giáo viên bộ môn Toán – Trường THPT Diễn Châu 3 cho biết, về độ phủ kiến thức trong đề thi, lớp 10 chiếm 14%; lớp 11 chiếm 20% và lớp 12 chiếm 66%. Sự phân chia theo cấp độ là 8% nhận biết, 44% thông hiểu, 42% vận dụng và 6% vận dụng cao. Số lượng câu hỏi liên môn, vận dụng thực tế chiếm tỉ lệ cao trong toàn bộ phần định lượng. Để làm tốt bài thi của ĐHQG Hà Nội, học sinh không những cần nắm chắc các kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12 mà còn cần có chiến thuật làm bài hợp lí.
Theo thầy Phan Trọng Đông – Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3, từ trước đến nay, nhà trường tập trung nhiệm vụ làm sao để kết quả thi tốt nghiệp THPT là tốt nhất. Nhưng với phương án tuyển sinh của các trường đại học năm nay, giáo viên sẽ phải thay đổi cách dạy học, ôn tập. Cụ thể, vừa bảo đảm phù hợp với yêu cầu tiếp cận kiến thức bài thi, vừa hình thành kỹ năng tư duy tổng hợp, tư duy sáng tạo khi làm bài. Kế hoạch dạy học, định hướng theo khối, chương trình ôn tập cần xây dựng sớm. Bao gồm từ khi học sinh vào lớp 10 và điều chỉnh dần qua từng năm cho đến lớp 12.