Sau ngày đổi mới, bật lửa cũng như những mặt hàng gia dụng khác tràn lan thị trường với đầy đủ mẫu mã và giá rất rẻ nên nghề vô gas của ông Bậm dần chìm vào quên lãng.
"Giờ thì ít người vô gas bật lửa lắm. Chủ yếu bây giờ tôi sửa, vô xăng cho bật lửa zippo, hay vô gas cho mấy cái bật lửa độc lạ cho giới "dân chơi" thôi". Làm chi thì làm, miễn có tiền đong gạo là được", ông Bậm nói, giọng ông nghe như từ xa xưa vọng lại.
Không có chỗ làm việc, ông Thôi ngồi bệt xuống đất để sửa dù cho khách - Ảnh: NHẬT LINH
Đối diện cổng chợ Bến Ngự cạnh dòng An Cựu ở Huế có một cửa tiệm rất đặc biệt. Gọi là tiệm cũng không phải lắm bởi gian hàng này chỉ vọn vẹn là chiếc ghế gỗ nhỏ đặt dưới một góc cây bàng già. Biển hiệu cũng chỉ ghi vài dòng với nội dung trong khá buồn cười "Thôi sửa chìa khóa - dù - vô gas". Dưới tấm biển là số điện thoại của chủ tiệm.
"Chủ tiệm tên Thôi, chứ không phải thôi không làm nữa đâu. Ổng không mấy khi ở tiệm vì không có chỗ ngồi, phải ngồi bệt xuống đất. Cái bảng này treo vậy, ai cần thì điện thoại, ông ra liền", bác xe thồ nằm ngả nghiêng trên yên xe máy dưới tán cây bàng, cạnh tiệm lý giải.
Ông Thôi tên thật là Trần Văn Giàu, năm nay tuổi ngoài ngũ tuần, dáng người mảnh khảnh, đội mũ lưỡi trai lệch vành. Người ở chợ Bến Ngự ai cũng rành ông. Họ bảo ông là người chịu khó, khéo tay, từ sửa hộp quẹt đến sửa ô dù, chìa khóa... cái gì cũng biết.
"Tui bám chợ ni cũng hơn nửa đời người. Ngày trước mấy nghề lặt vặt ni thịnh lắm. Giờ thì lay lắt, ngày kiếm hơn trăm nghìn là mừng lắm", ông Thôi tâm tình.
Kể về cái nghề sửa dù, ông Thôi nhớ lại cách đây mấy năm, có người làm việc ở di tích lăng vua Tự Đức đưa đến tiệm ông hơn chục cây dù hỏng nhờ sửa lại để cho du khách tham quan thuê. Mỗi cái dù ông lấy 20.000 đồng, hơn chục cái cũng được vài trăm nghìn lận lưng.
"Nói thì dễ chứ làm thì mới biết. Chỗ rách thì mình phải tìm đúng loại vải, đúng màu để mà vá cho người ta. Những bộ phận như khung, cành dù hư thì mình cũng phải tìm cho đúng loại đó để thay. Còn những cái dù rách tả rách tơi, không vá lại được thì mình báo họ là không sửa được, vứt đi thôi", ông Thôi nói.
Nghề sửa dù cũng như nghề vá áo mưa, nó cũng bạc đi theo năm tháng vì giá bán chiếc dù bây giờ tương đối rẻ. Mấy chục năm sửa dù, ông Thôi cũng không ít lần gặp những vị khách đặc biệt.
Có người lượm ve chai đưa tới ông một chiếc dù chỉ còn bộ khung, nhờ ông bọc lại tấm vải khác rẻ tiền cốt để có cái che mưa che nắng. Còn có những người bước xuống từ ô tô mà vẫn kỳ kèo người đàn ông nghèo khó từng đồng bạc để nhờ sửa dù.
Theo ông Bậm, nghề sửa dù, vá áo mưa hay nghề vô gas hộp quẹt còn sống được đến ngày nay âu một phần cũng vì đức tính cần kiệm của người miền Trung. Khúc ruột miền Trung quanh năm nắng gắt mưa dầm, bão lũ triền miên đã hun đúc cho người dân nơi đây đức tính cần kiệm, cẩn thận trong chi tiêu từng đồng.
Mấy mươi năm theo nghề, ông Bậm cũng kịp truyền "bí kíp" nghề khóa, nghề sửa dù và vô gas... cho không ít học trò. "Họ cùng đều xuất thân từ gia đình khó khăn, mong muốn có một cái nghề lận lưng mưu sinh qua ngày. Miễn có mong cầu được học nghề, được lao động từ chính đôi tay của mình thì tôi nhận và truyền nghề ngay", ông Bậm nói.
**********
Những địa chỉ sửa đài radio lâu năm ở Hà Nội mà chúng tôi tìm lại đã không còn, người sửa loại đồ cổ này ngày càng hiếm. Thế nhưng ở Hải Phòng lại có người thợ già quanh năm không hết việc.
Kỳ tới: Người sửa radio cuối cùng ở đất Cảng