Vẫn biết, dù chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định công việc của giáo viên mầm non nằm trong danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, song thực tế công việc của các cô đã nói lên tất cả. Đây là hoạt động đặc thù, với biết bao khó khăn, vất vả. Bởi, giáo viên mầm non phải kiêm nhiệm tất cả công việc khi lên lớp: Từ dọn dẹp vệ sinh phòng học cho đến chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho trẻ.
Ở các cấp học khác, giáo viên có thể dạy theo phân môn được đào tạo. Chẳng hạn, một số môn chuyên biệt như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục… sẽ có giáo viên chuyên trách. Nhưng với mầm non, giáo viên sẽ phải kiêm nhiệm tất cả, kể cả việc vào vai diễn viên, bác sĩ, bảo mẫu… Đó là chưa kể đến những áp lực vô hình do tính chất công việc mang lại từ phía phụ huynh và dư luận xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đề nghị không nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non. Do đặc thù công việc nên các cô cần có sức khỏe, thể chất tốt để trông giữ, dạy trẻ múa hát và phải tự làm các vật dụng trang trí, thiết bị, đồ dùng dạy học.
Trong khi đó, từ tuổi 50 trở đi, sức khỏe của giáo viên mầm non giảm sút, không còn nhanh nhẹn để ứng phó tình huống; khả năng chịu áp lực từ phụ huynh, nhà trường… không như trước dễ dẫn đến cáu gắt. Giữ ổn định tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non (đủ 55 tuổi) cũng là tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ giáo viên mầm non trên cả nước.