Tấn Chung cho rằng, quá trình đi thực tế với sinh viên rất quan trọng. Nó giúp sinh viên được làm quen với cộng đồng, nhận diện các vấn đề của cộng đồng cần hỗ trợ. Từ đó người học tổ chức các hoạt động, dự án cho cộng đồng.
TS Nguyễn Thị Hằng Phương cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành CTXH có thể làm ở nhiều vị trí công việc khác nhau. Đó là người học có thể làm trong cơ quan thuộc ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các cấp, các tổ chức hội (Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Thanh niên...).
Có thể có việc làm tại các vị trí ở các cơ sở y tế, dược (làm việc với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, đội ngũ y tế...). Làm trong các trường học (từ mẫu giáo đến đại học) làm việc với học sinh, giáo viên, phụ huynh về những vấn đề khó khăn tâm lý - xã hội của họ.
Hoặc sinh viên cũng có thể làm tại các tổ chức phi chính phủ (về các hoạt động xã hội, phát triển cộng đồng, an sinh xã hội...), đoàn thể (công đoàn, bảo vệ trẻ em, đài phát thanh truyền hình, cơ quan báo chí, các trung tâm cai nghiện, trung tâm giáo dục cộng đồng, giáo dục hướng nghiệp...).
Ngoài ra, người học ngành CTXH có thể làm việc tại các tổ chức, ban ngành về chính sách xã hội, các cơ sở giáo dục đào tạo CTXH (giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng...). Hay làm tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về CTXH, (thực hiện nghiên cứu và phát triển đối với các dự án xã hội).
Phạm Tấn Chung (mũ trắng) cùng bà con sơn sửa lại Miếu Âm Linh, ở thôn Hòa Trung trong chuyến đi thực tế. |
Cựu sinh viên chuyên ngành CTXH Nguyễn Thị Hồng Tâm hiện tại đang làm việc tại tổ chức Giving it back to kids (Trả lại tuổi thơ) với vai trò giáo viên dạy kĩ năng sống - sức khỏe tinh thần chia sẻ: “Khi đi làm em áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế để giúp đỡ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có thêm nhiều kỹ năng trong cuộc sống, có 1 sức khỏe tinh thần lành mạnh và tích cực. Những kỹ năng đó rất có ích giúp em biết cách để có thể xây dựng mối quan hệ tốt và tích cực với đồng nghiệp với học sinh, phụ huynh và cả những người xung quanh…”.
Theo Hồng Tâm để làm nghề CTXH tốt thì trước hết phải có đam mê và yêu nghề. Vì bất cứ công việc gì nếu đam mê yêu nghề thì tự khắc mỗi ngày đi làm chúng ta đều cảm thấy vui vẻ, yêu đời và phát triển. Ngành CTXH là ngành làm với con người, nên chúng ta phải yêu thương, phải thấu hiểu, đồng cảm thì mới có thể chia sẻ và hỗ trợ giúp đỡ họ được. Thứ ba, là phải có kiến thức nền tảng tốt.
“Mặc dù, chúng ta sẽ có thời gian để làm quen công việc để được hỗ trợ và học hỏi, nhưng em nghĩ kiến thức nền tảng là yếu tố cần thiết để bạn có thể làm tốt và phát triển trong môi trường làm việc. Bên cạnh đó, việc đáp ứng các yếu tố nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp sẽ giúp chúng ta trở nên chuyên nghiệp và quyết đoán, phát triển hơn trong công việc”, Nguyễn Thị Hồng Tâm nhấn mạnh.