Văn hóa

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà: Mẹ là người thầy vĩ đại của cuộc đời

18/02/2025 07:26

Đêm nhạc 'Tiếng đàn còn mãi ngân vang' mới đây đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả khi tưởng niệm nhà giáo, Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên.

Được thừa hưởng tình yêu và tâm huyết từ người mẹ, người thầy – Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên, cả cuộc đời của Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà cũng dành cho âm nhạc. Cây đàn piano đã cùng bà cống hiến, xây dựng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ.

Người thầy huyền thoại

Đêm nhạc “Tiếng đàn còn mãi ngân vang” mới đây đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả khi tưởng niệm nhà giáo, Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên - một trong bảy người tham gia thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), người thầy đứng đầu ngành Piano đầu tiên và lâu nhất của nhà trường.

nghe-si-nhan-dan-tran-thu-ha-me-la-nguoi-thay-2.png
GS.NGND Trần Thu Hà.

“Là lứa học sinh thời kỳ đầu của Trường Âm nhạc Việt Nam, thời đó ai cũng mơ ước có một ngôi trường khang trang, hiện đại. Cho đến giờ nhìn lại, tôi cũng thấy hạnh phúc khi bản thân đã góp một phần nhỏ bé vào việc xây dựng trường và được làm công việc mà tôi đam mê cả đời là dạy học”, NGND Trần Thu Hà chia sẻ khi nhìn lại chặng đường đã qua.

Nhà giáo, NSND Thái Thị Liên trải qua hai cuộc hôn nhân, có tất cả ba người con. Người con đầu là GS.NGND Trần Thu Hà - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, KTS Trần Thanh Bình và NSND Đặng Thái Sơn.

Thừa hưởng tình yêu và tâm huyết từ người mẹ tài năng, cả cuộc đời giáo sư Trần Thu Hà được dành cho cây đàn piano. Bà đã chung tay góp nhiều công lao xây dựng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam lớn mạnh và đào tạo các thế hệ nghệ sĩ piano cho nền âm nhạc nước nhà.

Nói về mẹ, GS Trần Thu Hà cho hay, đối với bà, NSND Thái Thị Liên là tất cả. Bà vừa là một nghệ sĩ tài năng, một người mẹ hết mình vì con cái, một người phụ nữ hoàn hảo. Bà Hà không chỉ yêu quý mẹ mình bởi tình mẹ con mà còn ngưỡng mộ tài năng và nhân cách sống của một người nghệ sĩ lớn.

“Tôi luôn yêu quý mẹ bằng một thứ tình cảm vừa thiêng liêng, vừa ngưỡng mộ. Mẹ tôi đã có một cuộc đời nhiều biến động, vinh quang và cay đắng, khổ đau và hạnh phúc đi liền với nhau. Dẫu vậy, bà chưa khi nào không sống hết mình với nghệ thuật, với cuộc đời, với gia đình và các thế hệ học trò kế cận.

Với tôi, mẹ là một người thầy, một người bạn lớn có thể chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống, dù đó là khi trẻ hay khi đã về già, đó là khi bà ở cạnh hay sống cách xa nửa vòng trái đất. Chúng tôi có được như ngày hôm nay là nhờ mẹ Liên đã vắt kiệt tâm lực, trí lực và sức lực để chăm sóc, dạy dỗ, rèn luyện và khổ luyện”, GS Trần Thu Hà bày tỏ.

GS Trần Thu Hà cũng bộc bạch, bà và các em vẫn nhớ như in những bài hát ru của mẹ mình. Thậm chí, có chi tiết nhỏ mà mấy anh chị em nhớ cả cuộc đời ấy là cố gắng chăm ngoan và trật tự xếp hàng để được mẹ lấy ráy tai cho.

“Trong 106 năm sống giữa cuộc đời, mẹ tôi đa phần ở với Đặng Thái Sơn. Nhưng khoảng 10 năm cuối, chúng tôi may mắn được gần gũi, chăm sóc mẹ và được mẹ quan tâm. Mẹ tôi quan tâm con tới mức dù tôi đã lớn tuổi nhưng mỗi khi đi công tác, mẹ vẫn phải dặn dò phải uống thuốc đều đặn và đúng giờ. Mẹ thậm chí còn đếm từng viên thuốc cho chúng tôi mang đi. Mẹ tôi chu đáo và yêu thương con vô cùng tận”, nữ nghệ sĩ hồi tưởng.

GS.NGND Trần Thu Hà cũng kể rằng, khi đã ở tuổi “bách niên” (100 tuổi), NSND Thái Thị Liên vẫn rất minh mẫn, bà nhớ vanh vách họ tên của từng học trò và người quen. Thậm chí, bà còn nhớ cả tên các học trò của NSND Trung Kiên - con rể của bà.

“Hồi đó, thầy Kiên ốm phải nằm viện, mẹ tôi dù đã 100 tuổi nhưng vẫn đòi vào thăm thầy. Ở bệnh viện, các bác sĩ, y tá và bệnh nhân rất ngạc nhiên vì bà 100 tuổi rồi mà vẫn đi xe lăn vào thăm con rể. Bà vào thăm còn động viên thầy Kiên cố gắng chóng khỏe để các em còn có chỗ dựa”, NGND Trần Thu Hà chia sẻ thêm.

8 tuổi mới được học “cô giáo mẹ”

Nhớ lại con đường nghệ thuật mà mình đã đi, nghệ sĩ Trần Thu Hà kể lại, năm 8 tuổi, sau một thời gian sống trong trại nhi đồng, bà mới chính thức được mẹ Liên dạy đàn.

“Hơn 2 tuổi, tôi theo bố mẹ lên sống ở Chiến khu Việt Bắc. Đó là những năm tháng chiến tranh gian khổ, thiếu thốn đủ bề nên đến năm 8 tuổi tôi mới lần đầu tiên được thấy cây đàn piano và chính thức theo học đàn tại Trường âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Khi đó, mẹ là giáo viên dạy đàn đầu tiên của tôi”, bà kể.

NGND Trần Thu Hà bồi hồi nhớ lại: “Thế hệ chúng tôi không có nhiều thuận lợi như các bạn trẻ bây giờ. Khi đất nước còn chiến tranh, tôi cũng không được ở gần bố mẹ để có điều kiện học tập.

Sau này trở về Hà Nội, được chạm tay vào cây đàn tôi vô cùng thích thú, say mê. Thuận lợi khi có mẹ là người hướng dẫn, chỉ bảo tận tâm tận lực nhưng trong điều kiện hạn chế về cơ sở vật chất, việc học đàn cũng phải tranh thủ.

May mắn là mẹ tôi vừa hoạt động biểu diễn, vừa giảng dạy nên được nhà trường cho mượn đàn để dạy học tại nhà. Thời gian để tôi luyện tập không nhiều, nhưng mỗi lần tập tôi rất tập trung, nếu có sai sót thì được mẹ ‘chấn chỉnh’ ngay.

Học đến bậc trung cấp thì chúng tôi phải đi sơ tán. Không như các nhạc cụ khác dễ di chuyển, cây đàn piano thường to, cồng kềnh. Thế mà khi chúng tôi đến sơ tán ở Bắc Giang, người dân địa phương vẫn đồng ý cho đặt đàn piano trong nhà.

Nhưng cây đàn piano có âm lượng lớn, tần suất làm việc từ sáng đến tối, thực sự ảnh hưởng đến sinh hoạt của mọi người. Ban ngày cũng phải nghe tiếng máy bay nữa chứ. Vì thế, một thời gian sau nhà trường quyết định di chuyển khoa Piano ra ngoài, đào hầm xa khu vực nhà dân để học.

Tôi vẫn nhớ hồi ấy chúng tôi thường học dưới ánh đèn dầu, tất cả giáo trình đều phải chép tay. Tôi khâm phục Nhà nước mình trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, có những cái rất cấp thiết, giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết nhưng vẫn cố gắng duy trì công việc đào tạo về âm nhạc”.

Bà tâm sự còn nhớ như in những bản nhạc từng chơi trong hầm trú ẩn: “Trong kỳ thi tốt nghiệp trung cấp âm nhạc và chuẩn bị lên đại học, tôi đã thi bài ‘Sonate ánh trăng’ - một bản nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Beethoven. Tình cờ hôm đó là ngày rằm nên trăng rất sáng.

Hồi ấy, những buổi thi thường được tổ chức vào buổi tối, trong ánh đèn bão, nếu có máy bay địch thì tất cả đều dừng lại, đèn thì phải tắt hết. Sau khi có thông báo là đã an toàn, chúng tôi lại tiếp tục cuộc thi và không được bật đèn nữa. Tôi nhớ mãi kỷ niệm ấy và xem đó là động lực để tôi cố gắng hơn nữa”.

nghe-si-nhan-dan-tran-thu-ha-me-la-nguoi-thay-1.png
GS.NGND Trần Thu Hà và mẹ - NSND Thái Thị Liên.

Tâm niệm trở thành người thầy nghệ thuật

GS.NGND Trần Thu Hà chia sẻ, vì sống trong cái nôi nghệ thuật từ bé nên bà luôn mong ước và tâm niệm sẽ trở thành nhà giáo dạy piano như mẹ mình. “Năm 1969, tôi được tuyển chọn đi đào tạo ngành âm nhạc tại Kiev - Liên Xô cũ. Sau khi tốt nghiệp, tôi về nước làm việc.

Đến năm 1984, tôi trở lại Liên Xô tiếp tục học cao học, làm nghiên cứu sinh và nhận bằng tiến sĩ tại Nhạc viện Tchaikovsky, Moskva. Tôi may mắn là một trong số những người ở thế hệ đầu được đào tạo bài bản về piano cổ điển tại nước ngoài nên khi về nước, được trường giao nhiệm vụ giảng dạy piano, rồi sau này lên làm quản lý, tôi thấy đó là trách nhiệm và vinh dự của mình”, nữ giáo sư kể.

“Mong ước của tôi là làm một người thầy về nghệ thuật, cũng là nối nghiệp truyền thống gia đình. Đương nhiên ngành học này bao gồm cả kiến thức, kỹ năng, song song với công việc giảng dạy thì tôi cũng tham gia chương trình biểu diễn, nhưng hoạt động đào tạo vẫn là chủ đạo.

Đặc thù của ngành nghệ thuật không chỉ là phổ cập âm nhạc mà còn góp phần tìm kiếm, đào tạo tài năng. Tài năng ấy phải được phát hiện, bồi dưỡng từ nhỏ với những quy trình khác nhau.

Hiện nay, đội ngũ giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã đông đảo hơn trước, được đào tạo bài bản ở những cái nôi âm nhạc lớn trên thế giới. Còn tôi vẫn muốn dạy các em ở bậc học trung cấp, khi các em phần nào bộc lộ tiềm năng phát triển”, GS Trần Thu Hà cho biết.

Khi được hỏi về việc hỗ trợ các học trò của mình, nữ nghệ sĩ tâm sự: “Có một thầy giáo người Nga đã chia sẻ với tôi, ‘Không phải cứ chơi đàn hay là dạy đàn giỏi mà cần phải có quá trình’. Giống như người thầy thuốc làm sao xác định được thể trạng, sức khỏe của bệnh nhân để kê đơn bốc thuốc, lên phác đồ điều trị chuẩn xác.

Nghề dạy nhạc cũng vậy, tôi thường đánh giá những ưu điểm và hạn chế của học trò để từ đó lựa chọn những giải pháp phù hợp nhất cho các em. Đó cũng là cái nhạy cảm, kinh nghiệm của người thầy được tôi rèn qua năm tháng”.

Là người dành cả tâm huyết cho giáo dục nên không ngạc nhiên khi cách đây không lâu, NGND Trần Thu Hà đã hoàn thành việc biên soạn, hiệu đính công trình 3 tập “Tuyển tập các tác phẩm âm nhạc Việt Nam cho đàn piano”, góp phần bổ sung cho bộ giáo trình dạy piano tại nước nhà.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nghe-si-nhan-dan-tran-thu-ha-me-la-nguoi-thay-vi-dai-cua-cuoc-doi-post719543.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nghe-si-nhan-dan-tran-thu-ha-me-la-nguoi-thay-vi-dai-cua-cuoc-doi-post719543.html
Bài liên quan
Dân mạng phát sốt trước bức thư tay của NSND Tự Long dành cho vợ kém 12 tuổi
Trên trang cá nhân, NSND Tự Long thường xuyên chia sẻ về vợ cũng như khoảnh khắc đời thường của tổ ấm nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thu Hà: Mẹ là người thầy vĩ đại của cuộc đời