Những vết nhăn xô lại với nhau ép cho hai hàng nước mắt chảy ra. Cái đầu lão nghẹo về một bên, cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc”. Khóc xong lão lại cười, nước mắt ẩn trong những nụ cười se sắt ấy: Cười đưa đà, cười và ho sòng sọc, cười như mếu. Không khóc nữa lão đành cười vậy thôi.
Vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của lão Hạc được thể hiện rõ nét qua tình yêu thương và đức hy sinh với đứa con trai. Dù góa vợ đã lâu lão vẫn ở vậy nuôi con mà không đi bước nữa bởi lão sợ con khổ: “Bao giờ bánh đúc có xương, bao giờ mẹ ghẻ mà thương con chồng”.
Con lớn khôn rồi, những tưởng sẽ dựng vợ gả chồng cho nó, nào ngờ đâu thân làm cha như lão không lo nổi cho con một đám cưới, để con phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su. Con đi rồi lão đã khóc không còn ra nước mắt. Trái tim người cha già nua tội nghiệp ấy tan nát theo từng bước chân con khi biết “ảnh của nó người ta chụp, thẻ của nó người ta giữ, nó đã là người của người ta rồi còn đâu là con tôi nữa”…
Lão vô vọng chờ đợi đứa con lưu lạc nơi chân trời góc bể mà chưa biết đến ngày về. Trong mọi câu chuyện với ông giáo, kể cả với cậu Vàng lão đều nhắc đến đứa con trai. Lão không nỡ bán cậu Vàng bởi đó là sợi dây kết nối lão với đứa con trai đang lưu lạc. Con đi rồi, ngày đêm lão rì rầm tính toán, bòn tiền cho con. Lão nghiêm khắc với chính bản thân mình: “tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của cháu”.
Nhưng rồi trời không thương lão, đẩy lão đến bước đường cùng, buộc lão phải lựa chọn – những lựa chọn vô cùng nghiệt ngã. Cuối cùng vì con lão đành bán chó, vì con lão đành ăn món tự chế.
Cuối cùng, cũng là vì con lão không thể bán lương tâm mà đi theo Binh Tư trộm chó, cũng không thể bán lòng tự trọng để gây phiền nhiễu cho người bạn cố tri – ông giáo; và dĩ nhiên lão càng không thể bán đi một tấc của mảnh vườn thiêng mà vợ chồng lão đã dành dụm cả đời. Và thế là vì con, vì để trọn đạo làm cha, trọn đạo làm người lão đã chọn cái chết.
Không chỉ là 1 người nông dân giàu tình yêu thương, giàu đức hy sinh, lão Hạc còn là người nông dân giàu lòng tự trọng. Sau ốm đau bệnh tật, lão yếu người đi ghê lắm nhưng lão quyết không tranh việc của những người đàn bà trong làng bởi vì chính con họ cũng sẽ đói.
Lão đã ăn giống như người không có một xu bạc nào để dành đến 30 đồng bạc trắng lo liệu ma chay cho mình, khỏi phải phiền lụy đến hàng xóm. Có thể nói 30 đồng bạc cuối cùng ấy là 30 đồng lấp lánh của lòng tự trọng.
Cho đến khi kề cận cái chết, lão dứt khoát giữ thiện lương trong sáng của mình, quyết từ chối đến mức gần như hách dịch sự giúp đỡ của một người nhân hậu như ông giáo, càng không thể theo gót Binh Tư để kiếm cái ăn. Khi buộc phải kết liễu đời mình, lão Hạc đã chọn cái chết bằng bả chó – một cái chết đau đớn, dữ dội, quằn quại.
Lão muốn tạ lỗi với cậu Vàng. Lão không quên mình là một người cha chưa làm tròn bổn phận nên chết để giữ vườn, giữ nhà cho con. Lão càng không quên mình là người đưa cậu Vàng vào chỗ chết nên phải đáp lại bằng cái chết như một con chó. Lòng tự trọng của lão như bức một bức thành trì kiên cố mà khổ đau, đói rét không thể nào khuất phục nỗi.
Tạo hình nhân vật Lão Hạc. Ảnh: ITN. |
***
Ngoài ra, trong tác phẩm “Lão Hạc”, nhà văn đã xây dựng các nhân vật người nông dân khác. Đó là con trai của Lão Hạc, một người nông dân cùng quẫn, phẫn uất, nhắm mắt đưa chân vào chỗ chết – mộ phu đồn điền cao su; nuôi ảo vọng làm giàu; vợ ông giáo một người nông dân nghèo đói nên trở nên tầm thường, ích kỷ, nhìn đời phiến diện một chiều; Binh Tư, một người nông dân nghèo đói, túng quẫn mà phải tha hóa về nhân cách, phải làm nghề bất lương để sống qua ngày.
Nhà văn cũng đã đặt nhân vật trong những sự lựa chọn nghiệt ngã để từ đó giúp người đọc có cái nhìn rõ nét hơn về hiện thực xã hội, những bi kịch tinh thần trong khi bị dồn đẩy đến bước đường cùng.
Mặc dầu viết về đề tài người nông dân nhưng ông giáo xuất hiện trong tác phẩm cũng là một nhân vật quan trọng. Diễn biến tâm lý của ông giáo không rõ nét như ở nhân vật Lão Hạc nhưng Nam Cao cũng đã đặt ông giáo vào một quá trình phát triển diễn biến tâm lý sâu sắc.
Với ngôi kể thứ nhất - nhân vật tôi trở thành hình tượng người trí thức nghèo tiểu tư sản, người thay mặt cho nhà văn Nam Cao phát biểu tư tưởng, quan điểm của mình. Ông giáo điển hình cho bi kịch của một người trí thức nghèo: Đó là bi kịch của tuổi trẻ đầy cao vọng, tuổi 20 trong trẻo, biết yêu và biết nhớ nhưng bị áo cơm ghì sát đất, vỡ mộng trong đau đớn, bị chôn vùi tài năng nơi quê nghèo thê thảm.
Như vậy, qua “Lão Hạc”, Nam Cao đã dựng lên bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam trên con đường phá sản, bần cùng, không lối thoát, hết sức thê thảm vào những năm trước cách mạng. Và nổi lên trong bức tranh ấy là hình tượng những người nông dân hiền lành, lương thiện bị tước đoạt quyền sống.
Như nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận xét: “Nếu như ở tác phẩm của Ngô Tất Tố là tiếng kêu cứu đói, thì ở tác phẩm của Nam Cao lại là tiếng kêu cứu lấy nhân cách, nhân phẩm, nhân tính của con người đang bị cái đói và miếng ăn làm cho tiêu mòn đi, thui chột đi, hủy diệt đi”.
Niềm cảm thông, thương xót trước nỗi cơ cực của những người nông dân, những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, tin ở con người, tin ở bản tính lành mạnh tốt đẹp của con người, nó đòi hỏi con người không được thụ động, buông xuôi, mà phải tích cực, chủ động, có ý thức trách nhiệm về cuộc sống của mình cũng được đặt ra trong tác phẩm.
Đó chính là chủ nghĩa nhân đạo cao cả bao trùm sáng tác của ông. Chủ nghĩa nhân đạo thống thiết đã chi phối và quyết định những bút pháp nghệ thuật đặc sắc. Chính điều này góp phần tạo nên sức hấp dẫn, độc đáo, giọng điệu riêng trong tác phẩm của Nam Cao mà hiếm có nhà văn nào đạt được.
Trong bài viết “Nhà văn và quá trình sáng tạo”, nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà đã khẳng định: “Nghệ thuật thực sự đòi hỏi cả tài năng và tâm hồn, sự thông minh và lòng trắc ẩn, cả cảm xúc và sự chiêm nghiệm vượt lên thời gian - lịch sử”.
Quả thực, tài năng và sự thông minh, lòng trắc ẩn, những cảm xúc sâu sắc cùng với vốn sống sâu sắc là phẩm chất không thể thiếu đối với một nhà văn chân chính. Nói khác hơn, chữ tâm và chữ tài luôn cần có sự hài hòa, thống nhất làm một. Nam Cao là một trong số những nhà văn hiện thực hội tụ đủ các phẩm chất đáng quý đó.