Kết thúc năm học, nhà trường bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương.
Học sinh nghỉ học, nhưng cha mẹ không được nghỉ làm; bởi vậy quản lý các em như thế nào trong thời gian này, học gì, chơi ở đâu cho bổ ích, an toàn là nỗi lo lắng “đến hẹn lại lên” của phụ huynh.
Trên thực tế, nhà trường bàn giao, nhưng không “buông” học sinh trong dịp hè. Tùy điều kiện, ngành Giáo dục địa phương, nhà trường đều chủ động xây dựng kế hoạch hoặc phối hợp với chính quyền, đoàn thể tổ chức các hoạt động giáo dục, thể dục, thể thao, kỹ năng sống, vui chơi, giải trí lành mạnh cho học sinh trong dịp hè. Các hoạt động này thường được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, không áp đặt, có sự nhất trí của cha mẹ học sinh.
Việc mở cửa thư viện, trường học để học sinh vào đọc sách, vui chơi đã rất quen thuộc. Nhiều trường, đặc biệt trường vùng khó khăn, ngay khi bàn giao học trò về sinh hoạt hè tại địa phương đã có kế hoạch phân công giáo viên phụ trách học sinh theo địa bàn; kịp thời nắm bắt thông tin, sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.
Theo tâm sự của một giáo viên vùng núi, nỗi lo lắng mang tên “nghỉ hè” không chỉ của các bậc phụ huynh. Với nhiệm vụ duy trì sĩ số khi vào năm học mới, thầy cô cũng trăn trở, tìm cách để học trò của mình nghỉ hè nhưng sau đó không nghỉ học. Và cách làm tốt nhất là luôn giữ sự kết nối để có thể nắm bắt thông tin kịp thời về học trò. Ở nhiều trường vùng khó, việc tổ chức hoạt động giáo dục, vui chơi trong hè cũng là cách làm hiệu quả để níu chân người học, giúp các em thêm yêu và gắn bó hơn với trường lớp.
Với trường mầm non, do đặc thù lứa tuổi, các địa phương đều có hướng dẫn tổ chức trông trẻ và hoạt động trong hè trên cơ sở nhu cầu của phụ huynh. Các trường phổ thông được yêu cầu tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm; trừ trường hợp phụ đạo cho học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi và tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9 thi vào 10, học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, để tổ chức hoạt động hè thực sự chất lượng, hiệu quả, nhà trường còn nhiều khó khăn, từ kinh phí, cơ sở vật chất đến nhân lực. Hè cũng là dịp nhà trường chỉnh trang, tu sửa cơ sở vật chất; cán bộ, giáo viên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực… Do đó trong hoạt động này, chỉ nên coi nhà trường là “vai phụ”.
Sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể địa phương vô cùng quan trọng, thông qua chỉ đạo, huy động tối đa nguồn lực, cơ sở vật chất để thiết kế các hoạt động, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ tại địa phương. Tuy nhiên, “vai chính” vẫn phải là gia đình, cha mẹ học sinh.
Cha mẹ tạo điều kiện để con được đăng ký tham gia, học tập, rèn luyện, vui chơi theo năng khiếu, sở thích của bản thân. Đặc biệt, sự quan tâm của gia đình, cha mẹ cùng lên kế hoạch, thiết kế và đồng hành cùng trẻ trong kỳ nghỉ dài, trải nghiệm, khám phá bản thân… là quan trọng nhất để giúp học sinh có kỳ nghỉ hè thực sự ý nghĩa, tạo năng lực chuẩn bị cho năm học mới.